Kịp thời thành lập Đề án
An Lão là huyện miền núi, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; tạo điều kiện cho hoạt động của Hội Nông dân góp phần thực hiện các chương trình kinh tế của Đảng và Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp - nông thôn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh Bình Định, sự lãnh đạo chỉ đạo của Huyện ủy, sự đỡ kịp thời của UBND huyện. Năm 1996, Hội Nông dân huyện thành lập Ban Vận động Quỹ hỗ trợ nông dân, tổ chức vận động đơn vị tập thể 200.000 đ/đơn vị trở lên, kết quả đã xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân huyện với tổng nguồn vốn là 218.179.000 đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn của Hội cũng bộc lộ một số hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng vốn chậm, quy mô vốn nhỏ; nhất là cấp cơ sở, nhiều đơn vị chưa xây dựng được Quỹ HTND, chưa tổ chức được các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn giúp nông dân; hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý điều hành chậm hoàn thiện.
|
Nông dân trồng rau sạch từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
|
Trong giai đoạn 2014 - 2020, để chủ động hơn trong việc đổi mới phương thức hoạt động; tập hợp, vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân và tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân.
Vì vậy, Hội Nông dân huyện An Lão đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2014 - 2020”. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là điều kiện cần thiết để phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đổi mới để phát triển
Mục tiêu đổi mới của Đề án là phát triển Quỹ HTND và hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân nhằm xây dựng các mô hình kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống Hội, vận động nguồn vốn hàng năm tăng từ 15% đến 20% trong toàn huyện; xây dựng bộ máy quản lý, điều hành và đội ngũ cán bộ hoạt động Quỹ HTND các cấp có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý điều hành hoạt động Quỹ hữu hiệu; đồng thời Quỹ HTND phải thực sự trở thành công cụ đắc lực cho hoạt động công tác Hội thúc đẩy các phong trào thi đua trong nông dân, tham gia thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở nông thôn.
Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra là tập trung củng cố, kiện toàn hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, cán bộ, hoàn thiện tư cách pháp nhân Quỹ HTND ở cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành Quỹ các cấp có trình độ chuyên môn và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, điều hành Quỹ trong giai đoạn mới; mở rộng và đổi mới nội dung hoạt động của Quỹ HTND các cấp với việc đa dạng huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vận động ủng hộ, tiếp nhận viện trợ, nhận ủy thác, thực hiện các dịch vụ chuyển tải vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng…
Đặc biệt đổi mới căn bản phương thức hỗ trợ cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình dự án (thay cho vay theo hộ hay nhóm hộ nhỏ lẻ) để xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, tổ hợp tác, ...giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn, xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với xây dựng Hội vững mạnh; thực hiện tập trung chủ yếu vào tiêu chí cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới đó là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống hội viên, nông dân…
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Từ khi thành lập Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2014 - 2020”, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện An Lão đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo.
Đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân huyện quản lý đạt trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, 300 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác cho vay, 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh ủy thác, còn lại từ nguồn Ngân sách UBND huyện cấp, nguồn vận động của huyện và xã. Hàng năm, Hội Nông dân đã hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh, huyện.
Từ nguồn vốn trên, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện đang quản lý 19 dự án với 84 hộ tham gia với tổng số tiền 2.605.000.000 đồng để thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi như Chăn nuôi bò lai sinh sản, trồng bưởi da xanh, rau an toàn, trồng keo lai,...Đối với các hội viên được hỗ trợ vay vốn, Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát để đồng vốn vay phát huy hiệu quả, đúng mục đích, nhất là lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hội viên để áp dụng vào thực tế sản xuất.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân ngoài việc giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tiếp cận với việc sản xuất hàng hóa. Thông qua mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn Quỹ HTND, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện được giảm dần qua từng năm. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 43,17 thì đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 28,13% (1.001 hộ thoát nghèo); số hộ khá, giàu ngày càng tăng.
Thời gian tới, Hội Nông dân An Lão tiếp tục rà soát gia đình hội viên cần vay vốn; tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn đóng góp xây dựng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân; đề nghị tăng thời gian cho hội viên vay vốn từ 36 tháng lên 60 tháng, nhằm giúp hội viên nghèo thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no.