Đạt kết quả tốt
Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn An Lão là 43,17% thì đến nay đã giảm xuống còn 28,13%, vượt chỉ tiêu đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 mà huyện đề ra. Ðể có được kết quả này, ngoài nỗ lực của nhân dân, cấp uỷ, chính quyền huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc, như: Chương trình 135, 30a, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ....
Giai đoạn 2016 - 2020, có hơn 130 công trình phục vụ dân sinh, sinh hoạt cộng đồng vùng miền núi dân tộc thiểu số được đưa vào sử dụng, trong đó có 15 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi, 11 công trình trường học, 10 công trình y tế, văn hóa, 40 nhà sinh hoạt cộng đồng, 18 công trình nước sinh hoạt… Ông Nguyễn Lợi, Phó Phòng Dân tộc huyện An Lão, cho biết: Cấp thiết nhất đối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm nay là vấn đề nước sinh hoạt. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng một công trình nước tập trung cần hàng chục tỉ đồng. Trong khi đó, ngân sách địa phương hạn chế, vùng miền núi dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế khó khăn nên việc huy động vốn góp là gần như không thể. Nếu không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách cho vùng đồng bào thì huyện An Lão không thể đưa vào sử dụng các công trình nước tập trung như hiện nay. Nhờ có các công trình nước này mà hàng trăm hộ dân tại các xã An Trung, An Dũng,... đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
|
Người dân xã An Trung chăm sóc heo đen được hỗ trợ từ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Các công trình hạ tầng được xây dựng, bộ mặt các xã miền núi khang trang, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách cho vùng dân tộc miền núi mà đồng bào Hre, Bana… ở các thôn của xã An Toàn, An Nghĩa có nhà sinh hoạt cộng đồng; xã An Dũng có khu tái định cư ổn định; các xã An Vinh, An Trung… có đường bê tông nông thôn kéo tới tận thôn.
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân vùng miền núi, đặc biệt là các hộ nghèo còn được hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện thoát nghèo, nâng cao đời sống. 5 năm qua, huyện đã đầu tư hơn 41 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho 217 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo mua 100 con bò, 20 con trâu, 98 hộ trồng cây ăn trái các loại; hỗ trợ thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua các mô hình trồng bưởi da xanh, cam xoàn, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh mây tự nhiên tại xã An Toàn; Dự án chăn nuôi, duy trì và phát triển đàn heo đen tại địa phương cho hộ đồng bào DTTS 6 xã vùng cao;....
Theo anh Đinh Văn Minh (thôn 8, xã An Hưng), nếu không được hỗ trợ cây, con giống, được vay vốn ưu đãi thì sản xuất nông nghiệp của gia đình anh không được như hôm nay. “Từ hộ nghèo, giờ tôi đã có 2ha đất rẫy trồng keo, 10 con heo đen, 02 con bò lai sinh sản, cho lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình tôi đã thoát nghèo, trở thành hộ khá nhờ sự giúp đỡ của chính sách dân tộc”, Đinh Văn Minh nói.
“Những năm qua, các chính sách dân tộc được triển khai dân chủ, đúng đối tượng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và tạo được lòng tin của người dân. Do vậy, công tác xóa đói giảm nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước nâng lên, giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các địa phương trong địa bàn, an ninh được giữ vững” Ông Nguyễn Lợi, Phó phòng Dân tộc huyện chia sẽ thêm
Nhiều cách làm hay
Được biết, để những chính sách dân tộc phát huy hiệu quả trong cuộc sống, các địa phương trong huyện đã linh hoạt quản lý nguồn vốn ngân sách. Huyện thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đảm bảo quy hoạch hạ tầng cơ sở chung tại các xã trên địa bàn. Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất là hai mục tiêu lớn mà các chính sách dân tộc hướng tới trong 5 năm qua. Vì vậy, để phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương, UBND huyện đã ghép các nguồn vốn để tăng số vốn, đảm bảo đủ vốn cho các công trình nhằm tạo ra sự phát triển hài hòa giữa các vùng dân cư trên địa bàn để hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống, làm chuồng trại chăn nuôi, được cấp phát phân thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ phát triển sản xuất.
Ngoài ra, huyện còn thực hiện phân cấp quản lý theo năng lực cán bộ ở từng cấp chính quyền để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và đúng lộ trình. Vốn xây dựng hạ tầng cơ sở chủ yếu do cấp huyện làm chủ đầu tư. Cấp xã phù hợp với quản lý sản xuất nên UBND huyện giao UBND các xã quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ nghèo không có đất gặp khó khăn do diện tích đất hoang hóa ở các địa phương không còn. Để khắc phục, chính quyền các cấp chuyển từ hỗ trợ đất sang cho vay cải tạo đất hoặc cho thuê đất sản xuất từ quỹ đất dự phòng của xã....
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện để bà con vươn lên thoát nghèo, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực, chủ động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.