Về với vùng nông thôn miền núi xã Cát Sơn, huyện Phù Cát hôm nay, chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ từ diện mạo nông thôn đến đời sống của người dân. Chúng tôi gặp ông Đặng Ngọc Hồng - một nông dân ở Thạch Bàn Đông, xã miền núi Cát Sơn vui mừng trước sự đổi thay của quê hương ông đang sinh sống; ông Đặng Ngọc Hồng, bày tỏ: “ Tôi thấy cuộc sống của người dân đã đổi thay rất nhiều so với những năm thời bao cấp. Nói chung, hiện nay nhà nào cũng đủ ăn, đủ mặc, ở nhà xây khang trang sạch đẹp, đi xe máy, đường giao thông thuận tiện, điện sáng cả ban đêm, trường học, trạm y tế gần nhà”.
Đó là thành quả từ sự chung sức, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trong xây dựng NTM. Để đạt được kết quả như hôm nay, những năm qua, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân huyện Phù Cát đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân trong xây dựng NTM bằng nhiều hình thức, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân cùng tham gia. Các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm, liên xã xuống cấp, lầy lội ngày nào giờ đã được bê tông hóa, nhựa hóa phẳng phiu. Qua đó, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, buôn bán, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, huyện từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, đồng thời tăng sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản trên thị trường. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo cho các địa phương chú trọng khai thác các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế với những mô hình sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của sản xuất thực tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện đã chuyển trên 3.372 ha 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa- 1 màu có hiệu quả trên đơn vị diện tích. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng NTM. Các công trình cơ sở hạ tầng, trường học, đường làng, ngõ xóm được xây dựng kiên cố, khang trang, thu nhập và đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng, tăng 03 triệu đồng so với năm 2019.
Sau 10 năm, toàn huyện đã huy động hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó: Trung ương hỗ trợ hơn 359,2 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 463,8 tỷ đồng, vốn ngân sách của huyện158,3 tỷ đồng, ngân sách xã gần 443,1 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp và các nguồn hợp pháp khác hơn 275,6 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM; 100% xã có đường nhựa, bê tông đến trụ sở UBND xã; 100% đường trục xã, liên xã được nhựa, bê tông hóa; 94,2% đường trục thôn, xóm được bê tông hóa, 90,4% đường ngõ xóm được bê tông và cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa; 88,9% đường trục chính nội đồng được bê tông hóa; 86,4% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa, 90% diện tích sản xuất nông nghiệp được chủ động nước tưới;100% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ gia đình được sử dụng điện và nước hợp vệ sinh.
Điều đáng ghi nhận trong xây dựng NTM ở Phù Cát là huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để triển khai chương trình. Huyện và các xã đã vận động được sự tham gia của con em xa quê thành đạt, doanh nghiệp trên địa bàn và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình phát triển hạ tầng kinh tế -xã hội, như làm đường giao thông nông thôn, xây dựng Trường học…..Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong xây dựng NTM ở Phù Cát là đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, lấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, xem người dân là chủ thể trong xây dựng NTM để triển khai thực hiện. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị đồng tâm hiệp lực chung sức xây dựng NTM từ lúc triển khai thực hiện đến việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Nhờ vậy, đến nay hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp đáng kể, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, cơ cấu kinh tế, lao động tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc...
Theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020- 2025, quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2021. Qua kiểm tra đánh giá, toàn huyện đến nay đã đạt 7/9 tiêu chí, còn lại 2 tiêu chí chưa đạt là: tiêu chí về môi trường và y tế- văn hóa- giáo dục. Do vậy, trong năm 2021, huyện huy động mọi nguồn lực để thực hiện 02 tiêu chí này.
Đồng chí Đỗ Văn Ngộ- Bí thư huyện ủy Phù Cát cho biết kế hoạch đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2021: “ Để đạt mục tiêu trở thành “Huyện NTM” vào năm 2021, huyện Phù Cát tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xây dựng NTM. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện các công trình hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất và đẩy mạnh đầu tư y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng…nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, tạo sự chuyển biến mọi mặt của khu vực nông thôn; hướng đến mục tiêu trở thành “Huyện NTM” vào năm 2021, huyện cũng tập trung rà soát, quan tâm chỉ đạo các xã xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, với lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, chất lượng, bền vững. Trên cơ sở đó, các xã NTM trên địa bàn huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt công tác xã hội hóa để người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm cùng chính quyền địa phương tham gia xây dựng NTM với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ kiểm chứng các tiêu chí đã đạt; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp thực hiện cụ thể, để thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, nhằm tạo sự chuyển biến mọi mặt ở khu vực nông thôn”.