Trong những năm qua, huyện Phù Cát tập trung vào những khâu then chốt như thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; chỉnh trang lại đồng ruộng từ hệ thống giao thông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa để chủ động tưới tiêu và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện xong quy hoạch lại vùng sản xuất, trên cơ sở đó thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa trên cùng một đơn vị diện tích. Sau khi hệ thống kênh mương Văn Phong, Thuận Ninh đưa vào sử dụng, diện tích các loại cây trồng trên địa bàn huyện được mở rộng, trong đó diện tích trồng cây lương thực đạt 15.345 ha. Cùng với đó, hàng năm nhờ triển khai tốt Đề án cải tạo bộ giống lúa thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, đã thực hiện các vùng sản xuất giống cấp 1 và sử dụng giống lúa lai bình quân hằng năm trên 500 ha ở các xã Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Tân, Cát Tài, Cát Minh, Cát Thắng, Cát Hưng,… nên chất lượng được nâng lên, sản lượng lương thực bình quân đạt gần 97.000 tấn/năm; thu nhập đầu người 47 triệu đồng, tăng 03 triệu đồng so với năm 2019, hộ nghèo giảm còn 2,88%.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm chỉ đạo, bước đầu hình thành vùng chuyên canh cây lúa, cây đậu phụng, cây hành, cây ớt, bắp lai, dưa hấu và rau màu các loại. Nhân dân trong huyện đã chuyển đổi trên 3.372 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô lai, dưa hấu, đậu phụng, bắp lai... thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, qua 5 năm (2016 – 2020), đã triển khai thực hiện 200 mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trên diện tích 10.221 ha, sản xuất trên cây lúa, đậu phụng, mỳ xen đậu và công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa, 1 màu có nhiều tiến bộ. Nhìn chung, việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đều cho năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập tăng, từng bước hình thành những cánh đồng sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và một số sản phẩm nông nghiệp bước đầu đáp ứng thị trường tiêu thụ. Giá trị bình quân 01 ha canh tác đạt 119,4 triệu đồng, tăng 05 triệu đồng so năm 2019; nhiều cánh đồng đạt trên 200 triệu đồng/ha như xã Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Tài, Cát Hải, Cát Hanh… Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, 100% số thôn có điện lưới, 100% số hộ sử dụng điện, gần 98% số hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh.
|
100% diện tích lúa trên địa bàn huyện Phù Cát được thu hoạch bằng máy. |
Chăn nuôi trên địa bàn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trang trại, gia trại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh. Mặc dù, dịch tả heo châu Phi xảy ra ở một số địa phương, nhưng nhờ áp dụng biện pháp an toàn sinh học, nên đã hạn chế dịch bệnh. Toàn huyện có 20 trang trại chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Với tổng đàn bò 52.893 con, tỷ lệ bò lai chiếm 97% tổng đàn. Tổng đàn heo 78.414 con; tổng đàn gia cầm, thủy cầm trên 02 triệu con. Công tác tiêm phòng vac cin phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch, giám sát và tổ chức vệ sinh tiêu độc sát trùng tại cơ sở. Nhờ đó, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện được khống chế.
Phong trào trồng và chăm sóc bảo vệ rừng tiếp tục được duy trì, phát triển. Trong 5 năm qua (2016- 2020), toàn huyện có 22.974,9 ha đất có rừng, trong đó, rừng phòng hộ 11.717,5 ha, rừng đặc dụng 4.752,3 ha, rừng sản xuất 6.505,1 ha. Công tác khai thác rừng trồng và trồng lại rừng sau khai thác có cố gắng, hằng năm diện tích khai thác rừng trồng sản xuất 900 ha, giá trị mỗi ha rừng khai thác khoảng 75 đến 80 triệu đồng/ha. Tổ chức trồng lại rừng sau khai thác hơn 850 ha và trồng mới 40 ha rừng đặc dụng. Tỷ lệ độ che phủ của rừng 38,5%, tăng 0,2% so năm 2019. Trong lĩnh vực thủy sản, huyện Phù Cát đã tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích ngư dân đầu tư đánh bắt xa bờ; đưa tổng sản lượng khai thác thủy hải sản, tăng gần 1.500 tấn so năm 2019. Trong đó, đội tàu thuyền có công suất lớn ngày một nhiều, sản lượng khai thác đạt gần 4.5000 tấn/năm. Toàn huyện có 16 tàu thuyền đóng mới theo NĐ67/CP.
Kinh tế phát triển khá ổn định, nhân dân tích cực đóng góp công sức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hơn 1.471 tỷ đồng) xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội; trong đó chủ yếu là bê tông giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương; sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, lưới điện, các cơ sở y tế, thiết chế văn hóa, trường, lớp học, chợ nông thôn. Ngoài ra, các xã đã đầu tư ngân sách hơn 300 tỉ đồng, cùng với nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, cây cối, hoa màu trị giá 88,5 tỷ đồng; để xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng đường giao thông nông thôn. Đến nay, huyện Phù Cát có 16/16 xã đạt chuẩn NTM.- Điều ghi nhận sau 10 năm XDNTM ở Phù Cát là kinh tế phát triển khá; bộ mặt nông thôn tiếp tục được đổi mới, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được chăm lo, từng bước được cải thiện. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời đầy đủ, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú; y tế giáo dục có nhiều chuyển biến mới.
Ông Mai Sào, một người dân ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải rất mừng trước sự thay da đổi thịt của quê hương: “ Trong những năm gần đây, tôi thấy quê hương Cát Hải có nhiều sự thay đổi; nhất là hệ thống đường di lối lại làm bằng bê tông xi măng, đi lại rất thuận tiện; nhà nào cũng có điện thắp sáng, có xe máy, có ti vi; Trường học, trạm xá xây dựng bài bản. Nói chung, đời sống của người dân Cát Hải chúng tôi hôm nay là đã được cải thiện nhiều, nghèo thì còn, nhưng đói thì không”.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, theo Nghị quyết huyện Đảng bộ lần thứ XXII đề ra. Phù Cát tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân. Đặc biệt, huyện sẽ tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích của người dân; đồng thời thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của người dân vùng nông thôn; phấn đấu cuối năm 2021, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lê- Trưởng Phòng NN& PTNT huyện Phù Cát cho biết: “ Huyện Phù Cát tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; rà soát, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa và nâng cấp các công trình thuỷ lợi hiện có và xây mới các công trình khác, đảm bảo phục vụ nước tưới cho sản xuất và đời sống dân sinh. Tăng cường bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thực hiện có hiệu quả phòng cháy chữa cháy rừng. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các nguồn lực xã hội và các chương trình dự án đẻ thực hiện đạt các tiêu chí như kế hoạch đề ra. Mặt khác, chủ động thực hiện tốt công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nông dân phát huy vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.