Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh được triển khai và thực hiện từ tháng 6 năm 2016, nằm trong Dự án Rau an toàn của tỉnh Bình Định do chính phủ New Zealand tài trợ. Với lợi thế về điều kiện thời tiết, đất đai, có nền nhiệt độ bình quân 25 – 280c nên phù hợp cho các loại rau ôn đới sinh trưởng phát triển như: Bắp cải, cải thảo, súp lơ, xà lách, cà rốt, củ cải, củ dền, ớt chuông, bí ngồi…
Đi cùng với Dự án là những Hội viên nông dân có tâm huyết với nghề trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP để hình thành lên nhóm “cùng sở thích” sản xuất rau an toàn đầu tiên của xã vào năm 2016 với 25 thành viên, đến nay đã mở rộng thêm nhóm mới, nâng tổng số thành viên nhóm “cùng sở thích” lên 53 người, hầu hết là đồng bào dân tộc Ba Na của chi hội nông dân làng K2, K3, Suối Đá, sản xuất trên diện tích hơn 4ha trồng các loại rau ôn đới có giá trị kinh tế cao, chủ lực là bắp cải, súp lơ, cải thảo. Hàng năm cho thu hoạch hơn 50 tấn rau các loại để cung cấp cho hệ thống Siêu thị BigC, Coopmart, chợ đầu mối và khách du lịch.
|
Cánh đồng bắp cải xanh mướt, sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP tại Vĩnh Sơn. |
Trồng rau an toàn không khó, thời gian sinh trưởng ngắn nhưng cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác. Hội viên nông dân Đinh Văn Đạt là một thành viên tiêu biểu của nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn cho biết: Trước đây gia đình ông cũng trồng rau, chủ yếu là sử dụng cho gia đình và bán tại địa phương, nhưng khi tham gia vào nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn ông được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn Viet GAP nên vụ rau nào cũng cho năng suất cao, bình quân 1 sào bắp cải hộ ông trồng cho thu hoạch 2.000kg với giá bán 5.000đ/kg cho thu nhập hơn 10 triệu đồng với thời gian trồng chỉ hơn 3 tháng nên không có cây trồng nào có lãi hơn cây rau.
Đồng hành với người nông dân trồng rau là những chuyên gia giàu kinh nghiệm của Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR), Văn phòng dự án Rau an toàn và nhóm hướng dẫn viên IPM của tỉnh, huyện đã làm nên vùng rau an toàn xã Vĩnh Sơn được cấp giấy chứng nhận là rau an toàn Viet GAP mang thương hiệu “lá lành” đi đến mọi miền đất nước.
Với khí trời se lạnh của mùa đông trên vùng đất đỏ bazan có độ cao so với mặt nước biển hơn 800 mét là những cánh đồng rau xanh mướt, ẩn hiện những bóng dáng thầm lặng vào những buổi sáng tinh mơ khi còn những giọt sương lung linh trên cành lá, là lúc những cán bộ kỹ thuật cùng hội viên nông dân trồng rau bước vào công việc theo dõi cây trồng, điều tra sâu bệnh 2 lần/tuần để luôn giữ màu xanh của lá. Gặp gỡ họ chúng ta mới thấy hết những vất vả và tinh thần hăng say công việc với tấm lòng đam mê và nhiệt tình hiếm có. Ngày nắng cũng như mưa, quần xăn bó gối lội đồng để thăm đồng, khi hội viên nào cần sự giúp đỡ về hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất hay biện pháp phòng trừ sâu bệnh, chế độ nước tưới là có mặt cán bộ kỹ thuật. Ông Trần Văn Nhi, một trong những kỹ thuật viên bám trụ trên ruộng rau cho biết “Vĩnh Sơn là một trong những vùng đất phát triển cây rau rất hiệu qủa trong khi đó những Hội viên nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số người Ba Na rất cần cù chịu khó học hỏi, hăy say và nhiệt tình trong công việc nhưng còn rất khó khăn về kinh tế cũng như kinh nghiệm sản xuất các loại cây trồng mới đưa vào sản xuất. Muốn phát triển ổn định vùng rau xứ ôn đới này khi dự án kết thúc vào tháng 5 năm 2021 tất cả các cấp, các ngành, Hội đoàn thể từ cở sở đến huyện, tỉnh phải cùng nhau hỗ trợ mọi mặt cho bà con đồng bào BaNa tiếp tục trồng rau an toàn ở những năm tiếp theo”.
Để cho bà con đồng bào BaNa trồng được cây rau ôn đới theo tiêu chuẩn Viet GAP không chỉ có lòng nhiệt huyết mà còn có sự hỗ trợ của nhà nước. Trong 5 năm thực hiện, Dự án rau an toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 2 nhóm “cùng sở thích” trồng RAT xã Vĩnh Sơn hàng tỷ đồng để mua cây giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng hệ thống tưới, hàng rào bảo vệ, lưới ngăn côn trùng; hỗ trợ xe tải vận chuyển rau, xây dựng nhà thu gom sơ chế rau. Tổ chức 3 khóa đào tạo (FFS) trên đồng ruộng cho 53 thành viên; Đào tạo và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP trong sản xuất rau cho 53 thành viên của 2 nhóm ; Tập huấn ATTP khi thu hoạch và sau thu hoạch; Trung tâm Phát triển nông nghiệp miền Trung (CRD) thuộc Trường Đại học Nông – Lâm Huế đã đào tạo cho nông dân về quy trình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP, quy trình phòng trừ sâu bệnh cũng như xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động cho tổ, nhóm “cùng sở thích” trồng RAT; Tổ chức cho các thành viên trong nhóm đi học tập kinh nghiệm trồng rau ở các vùng trồng rau trong tỉnh cũng như Siêu thị BigC là nơi tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trồng rau.
Để nói lên niềm tự hào của những con người gieo mầm xanh trên vùng đất đỏ ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Thạnh, tổ trưởng tổ chỉ đạo sản xuất RAT của huyện, người có nhiều tâm huyết với nghề trồng rau an toàn của huyện tâm sự: “Tuy công việc khá vất vả, nhưng với sự quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật, không ngại khó khăn trong hướng dẫn kỹ thuật, đưa ra các giải pháp thực hiện phù hợp, cùng với sự cần mẫn chịu khó, chịu khổ của người Ba Na, say mê trên mảnh đất, luống rau của họ đã tạo nên 1 vườn rau xanh tốt. Đây thực thực sự là niềm vui của những người làm công tác nông nghiệp của chúng tôi”.
Có được những kết quả như hôm nay, các thành viên tham gia mô hình một nắng, hai sương gắn bó với ruộng rau rất trân trọng những con người làm công tác hướng dẫn kỹ thuật trên đồng ruộng là người bạn thân thiết trong việc góp phần làm nên những vụ rau bội thu.