Đặc điểm của xã Tây Phú nằm ở địa hình cao, có nhiều gò đồi, chân đất khô cằn nghèo dinh dưỡng và thiếu nước tưới với tổng diện tích khoảng 500 ha. Nhiều năm trước đây, phần lớn diện tích này đều được bà con nông dân trồng bạch đàn, mì, sau đó chuyển sang trồng mía và gần đây chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn như bắp, đậu đỗ, dưa hấu, ớt cà, bí bầu. Tuy nhiên, năng suất và sản lượng không cao do khí hậu thường khô nóng, đât bạc màu và thiếu nước tưới.
Để chuyển đổi cây trồng, một số nông dân ở thôn Phú Mỹ đã trồng thử nghiệm cây sả vì nhận thấy loại cây gia vị này phù hợp với vùng đồi gò, thiếu nước tưới, nhẹ công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm. Từ một vài hộ ban đầu trồng 1 - 2 sào sả mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, sau đó lan rộng dần ra toàn thôn Phú Mỹ, rồi đến thôn Phú Lâm và một số thôn khác.
|
Bà Lê Thị Nguyệt, Giám đốc HTX Nông công thương An Nhơn (phải) khảo sát tìm hiểu tiềm năng vùng nguyên liệu sả ở xã Tây Phú.
|
Ông Trần Trọng ở xóm 3, thôn Phú Mỹ trồng thử nghiệm cây sả trên 2 sào đất trồng mì. Nhờ chú trọng khâu cải tạo đất bằng phân chuồng, đóng giếng để chủ động bơm tưới nên năng suất và sản lượng sả cao hơn, cho thu hoạch nhiều lứa hơn so với cách trồng thông thường của phần lớn bà con. Từ đó, ông Trọng tăng diện tích trồng 7 sào sả. Nhờ thực hiện các biện pháp thâm canh, chú trọng sử dụng phân hữu cơ để giúp tăng dinh dưỡng cho đất, giữ ẩm đất và chế độ nước tưới đầy đủ nên diện tích sả của ông Trọng sinh trưởng và phát triển tốt, củ sả to, không bị xơ cứng, nhanh đẻ nhánh sau khi thu hoạch. Bình quân mỗi sào sả cho thu hoạch từ 1,5 – 2 tấn củ/ sào trong thời gian 3 tháng. Nếu để thời gian lâu hơn có thể đạt đến 3 tấn củ/ sào.
Giá bán sả trong những năm qua luôn ổn định bình quân ở mức 7-8 ngàn đồng/ kg nên bình quân mỗi sào sả cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng trong 3 tháng. Một năm thu hoạch ít nhất 3 vụ, thu về khoảng 50 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng/sào. Đây là số tiền lãi từ cây sả đáng phấn khởi so với nhiều loại cây trồng khác trên cùng một chân đất.
Gia đình ông Huỳnh Văn Minh ở xóm 1, thôn Phú Mỹ cũng tận dụng vùng đồi gò bạc màu trước đây chỉ trồng được bạch đàn để chuyển sang trồng 4 sào sả. Trên mỗi sào đất, ông trồng 500 bụi sả, bình quân mỗi bụi cho thu hoạch từ 1,5 – 2 kg sả trong một lứa hái, tương đương với khoảng 1 tấn/sào, mang về thu nhập khoảng 10 triệu đồng, lợi nhuận 7 triệu đồng/ sào. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các hộ trồng sả ở xã Tây Phú, ông Minh không thu hoạch theo lứa mà thu hoạch hàng ngày theo yêu cầu của thương lái, bình quân mỗi ngày từ vài chục kg đến 1 tạ, nên có thu nhập đều đặn trong tháng. Nhờ chất lượng sả thơm ngon, hình thức đẹp nên mặt hàng sả của nông dân Tây Phú được thị trường ưa chuộng. Mỗi ngày có cả chục tấn sả được đưa đi tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh khác như Gia Lai, Quãng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú nhận xét: “Hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi sang trồng cây sả ở địa phương rất tốt. Cây sả là cây chịu nắng và chịu trồng trên đất đồi gò, trên cùng một diện tích cây sả cho lợi nhuận gấp đôi, gấp ba cây trồng khác”.
Tuy có thu nhập kinh tế cao hơn nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng ở địa phương, nhưng nhìn chung giá cả thị trường tiêu thụ cây sả ở Tây Phú vẫn chưa ổn định. Vào thời điểm sả cho sản lượng cao nhất thì giá thường ở mức từ 7 ngàn đồng/ kg, có khi xuống còn 4 ngàn đồng/ kg, còn thời điểm mùa mưa hoặc cận Tết giá lên đến 10 ngàn đồng hoặc 12 ngàn đồng/ kg. Chính vì vậy mà thu nhập kinh tế của bà con vẫn chưa tương xứng với chất lượng và sản lượng của cây sả.
Một tín hiệu vui là mới đây, đại diện của HTX Nông công thương An Nhơn, thị xã An Nhơn đã đến tìm hiểu về tiềm năng của cây sả ở xã Tây Phú nhằm mục đích hình thành vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh dầu sả của HTX đã hoạt động lâu nay tại xã Nhơn Mỹ. Nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy này từ 50 – 100 ha trồng sả. Theo dự kiến ban đầu, HTX Nông công thương An Nhơn có thể tiêu thụ sả cho nông dân xã Tây Phú theo 3 hình thức : hợp đồng mua toàn bộ lá sả hiện nay, hợp đồng thu mua toàn bộ cây sã xanh hoặc hợp đồng trồng sả Java theo yêu cầu kỹ thuật của HTX.
Bà Lê Thị Nguyệt, Giám đốc HTX Nông công thương An Nhơn cho biết : “ HTX chúng tôi đang sản xuất tinh dầu sả, nên rất cần nguồn nguyên liệu sả cả 100 ha để đủ sản lượng chưng cất tinh dầu. Đi thực tế tìm hiểu, tham quan tôi thấy xã Tây phú có tiềm năng, triển vọng tốt để trồng cây sả và có thể kết hợp với HTX chúng tôi thành chuỗi liên kết sản xuất với nhau. HTX sẽ thu mua bao tiêu sản phẩm cây sả ở Tây Phú.”.
Hy vọng trong thời gian tới đây, nếu bà con nông dân trồng sả ở xã Tây Phú và HTX Nông công thương An Nhơn đạt được hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây sả hoặc làm vùng nguyên liệu cho nhà máy theo phương thức hai bên đều có lợi, khi đó tạo nên chuỗi liên kết trồng trọt và tiêu thụ nông sản ổn định hơn, giúp bà con nông dân trồng sả Tây Phú phát triển đời sống kinh tế hơn so với việc biến động theo thị trường hiện nay.