“Lửa nghề vẫn cháy”
Đến thôn 2, xã An Toàn, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh những cụ già ngồi cạnh nhau dưới hiên nhà, người thì đan, người thì vót tre. Đó là những công việc bình dị hằng ngày, nhưng cũng là cách mà người dân thôn thôn 2, xã An Toàn gìn giữ nghề truyền thống qua nhiều năm. Được “tận mục sở thị” những sản phẩm địa phương, chúng tôi cảm nhận được sự đam mê, tâm huyết và tình cảm của người làm ra nó qua những nan tre, nứa, mây, lồ ô,... được đan tỉ mỉ. Dưới những bàn tay thô ráp ấy, những sản phẩm bình dị mà tinh tế đầy giá trị, trở thành những vật dụng hữu ích mang giá trị thẩm mỹ cao.
Ghé thăm nhà ông Đinh Văn Niên, nghệ nhân đan lát lâu năm tại địa phương, đang nhanh tay hoàn thành chiếc gùi. Ông Niên cho biết: “Nghề đan lát của dân tộc Bana xã An Toàn có từ bao đời không ai nhớ rõ, chỉ biết là nó gắn liền với đời sống nông nghiệp của bà con nơi đây. Đã gắn bó với nghề hơn 40 năm qua, nghề đan lát như một phần cuộc sống của mình, ngày nào bận việc đồng áng, không đan lát thì cảm thấy thiếu vắng lắm...”.
Bình quân mỗi ngày ông Niên đan được 2 - 3 chiếc mẹt, chiếc sàng, 01 chiếc gùi. Ngoài đan những chiếc mẹt, sàng theo kích thước chung thì ông cũng nhận đan theo kích thước mà khách đặt, nhờ vậy có thêm thu nhập cho gia đình.
Rời nhà ông Đinh Văn Niên, chúng tôi được cán bộ địa phương dẫn đến nhà già làng Đinh Văn Nao, đã ngoài 80 tuổi, có hơn 60 năm làm nghề đan đát. Nhìn đôi bàn tay gầy gò, đã nhăn nheo vì tuổi tác nhưng vẫn nhanh thoăn thoắt, thành thạo từng đường đan, từng sợi nan đan móc vào nhau vẫn nhanh nhẹn và chính xác. Già làng Nao kể rằng, nghề này truyền từ ông bà của già. Thời còn trẻ, trong làng đông vui rộn ràng vì ai ai cũng học đan. Những đống nan tre chẻ nhỏ chất đầy trước mỗi hiên nhà để chờ tay người thợ. Người già lấy đan lát để chuyện trò thăm hỏi, người trẻ thì vừa làm vừa vui đùa tán chuyện.
“Để hoàn thành được một chiếc gùi có hoa văn độc đáo đòi hỏi người đan phải tốn ít nhất 2 ngày, còn đan gùi thông thường thì chỉ 1 ngày là xong và bán được từ 150-450 ngàn đồng/chiếc, tùy theo từng loại. Đối với một cái rổ, cái rá thì chỉ đan khoảng 2- 3 tiếng đồng hồ, lúc nào rảnh rỗi thì già đan, giá bán khoảng từ 20-25 ngàn đồng/cái, cũng tùy theo loại. Nguyên liệu dùng trong đan lát thường được khai thác từ thiên nhiên ở rừng và rẫy như: tre, nứa, lồ ô…hoặc các loại dây leo như: mây, cói, dây rừng…. Ngoài ra, già còn sử dụng các loại vỏ cây mềm nhưng có độ dai rất tốt để làm đế hoặc dây quai cho sản phẩm...” - già làng Đinh Văn Nao cho biết.
|
Ngoài 80 tuổi, Già làng Đinh Văn Nao - Thôn 2, xã An Toàn vẫn đau đáu nỗi lo rồi đây nghề mây tre đan sẽ bị thất truyền vì lớp trẻ không mấy người còn mặn mà với nghề này. |
Tranh thủ những lúc không đi rẫy, những nghệ nhân như ông Đinh Văn Niên, già làng Đinh Văn Nao lại cặm cụi một mình dậy từ tờ mờ sáng đi vào rừng chọn những cây lồ ô, nứa, tre, mây,... loại không già, không non, có đốt dài về đan gùi. Đây là một trong những khâu quan trọng quyết định về độ bền của một chiếc gùi. Bởi, nếu chọn quá già, khi đan các nan dễ bị gãy. Ngược lại, với những cây còn non, khi sản phẩm hoàn thiện chất liệu nan đan thường bị co, tạo thành những kẽ hở ở sản phẩm.
Theo già làng Đinh Văn Nao, với người Bana, ngoài các vật dụng đơn giản được đan từ tre, mây, lồ ô, nứa từ chiếc lồng gà, rổ đựng cơm, nơm cá, giỏ đựng dao, rựa, nia sẩy lúa, giỏ tuốt lúa, nia sàn gạo,…còn có nhiều loại gùi mà người Bana sử dụng nhiều nhất gồm gùi dùng để gùi lúa, thì đan kín dày từ trên xuống dưới tránh rơi hạt khi vận chuyển, còn đối với gùi nhỏ dành cho trẻ em, gùi đi lấy củi, gùi nước, gùi mang rau, gùi măng, gùi bỏ vật dụng sinh hoạt thì đan thưa hơn, có khoảng hở ở đoạn giữa gùi, loại gùi dùng để đựng trang phục thổ cẩm và những chuỗi cườm, trang sức quí thì đan công phu với nhiều trang trí với những dãy hoa văn truyền thống chạy quanh thân gùi...Sản phẩm đan lát nơi đây không chỉ để mang lên rẫy hay phục vụ đời sống hàng ngày, mà còn là một vật trang trí không thể thiếu trong văn hóa tâm thức của người Bana.
Khát vọng truyền nghề
Có thời gian lắng nghe những câu chuyện của người dân địa phương về sự thăng trầm của làng nghề đan lát, chúng tôi mới hiểu, giữa nơi vùng cao xa xôi, việc giữ vững nghề truyền thống thủ công không hề dễ dàng, khi trước mắt là sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm công nghiệp được bán phổ biến.
Giữ được nghề đã khó, truyền được nghề càng khó hơn. Trước thực trạng nhiều nghề truyền thống đang bị mai một, những nghệ nhân như ông Đinh Văn Niên, già làng Đinh Văn Nao và nhiều nghệ nhân khác nữa luôn luôn trăn trở với những khó khăn của người dân làng nghề. Để giữ nghề và sản phẩm của làng nghề ngày càng tiến xa hơn nữa thì không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê sáng tạo, mà họ rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng trong hỗ trợ về vốn, tạo thương hiệu, liên kết sản xuất… Không những làm giàu từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, các ngệ nhân vẫn mong có những người trẻ làm giàu từ chính cái nghề truyền thống của dân tộc mình, khi mà nguồn nguyên liệu mây, tre, nứa ở An Toàn rất dồi dào. Và bây giờ, chỉ cần địa phương tổ chức các lớp học, các nghệ nhân như ông Đinh Văn Niên, già Đinh Văn Nao sẵn sàng là người đứng lớp để truyền dạy cho các thế hệ con cháu.