|
Mới trên 3 tháng tuổi nhưng chú gà trống này nặng 2 kg và đã sở hữu cặp chân “khủng”
không lẫn vào đâu được.
|
Được sự đồng ý của gia chủ, chúng tôi về xóm 7 thôn Thiện Đức Bắc, xã Hoài Hương để được “Mục sở thị” gia trại chăn nuôi gà Đông Tảo của ông Tôn Văn Cầu (60 tuổi), gia trại được đánh giá là nuôi gà Đông Tảo thành công nhất trên địa bàn huyện Hoài Nhơn hiện nay với số lượng gà giống và gà thương phẩm hiện đã có trên 300 con.
Ông Cầu tâm sự: “Bản thân vốn là một ngư dân có trên 20 năm hành nghề trên biển nhưng do tuổi tác ngày càng cao nên đến đầu năm 2011 tôi nghỉ hẳn nghề đi biển, trong lúc đang phân vân chưa biết chọn việc gì phù hợp với sức khỏe để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, qua đọc báo và theo dõi truyền hình, biết được giống gà Đông Tảo là giống gà quý hiếm có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, hơn nữa hiện ở địa phương vẫn chưa có ai nuôi loại này nên tôi cùng vợ bàn bạc và quyết định nuôi gà Đông Tảo, nếu nuôi được sẽ bán rất có giá trị”.
Sau thời gian tìm hiểu nguồn giống, được người quen giới thiệu, ông Cầu vào tỉnh Bình Phước - nơi có trại gà giống Đông Tảo cấp 1 phân phối - học hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc sau đó, chọn mua 6 con giống thuần chủng (4 mái 2 trống) với tổng giá trị gần 20 triệu đồng về quê xây chuồng trại và bắt đầu nuôi. Thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi, chăm sóc nên gà hay bị đỗ bệnh, chậm phát triển nhưng với quyết tâm gầy dựng, ông thường xuyên liên hệ với cơ sở cung cấp giống để được tư vấn giúp đỡ, và sau gần 1 năm, ông xuất bán lứa gà giống đầu tiên thu hồi vượt số vốn đầu tư ban đầu.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi gà Đông Tảo, ông Cầu bộc bạch: “Cách nuôi gà Đông Tảo không khác gì nuôi gà thường, nhưng loại này rất dở kiếm ăn, vụng ấp trứng, dễ nhiễm bệnh nếu chăm sóc không kỹ thì chi phí nuôi khá tốn kém, không mang lại lợi nhuận. Để đàn gà phát triển tốt, ngoài việc cung cấp thức ăn đầy đủ chủ yếu là lúa, bắp, rau xanh và vệ sinh chuồng trại hàng ngày để gà không bị mắc bệnh, điều hòa nhiệt độ chuồng trại ổn định, mùa đông ấm áp, mùa hè thoáng mát, nhất là phải có diện tích đủ rộng cho gà hoạt động, bởi loại gà này không ưa nuôi nhốt, chạy nhảy nhiều thì thịt càng ngon. Gà dưới 2 tháng tuổi thì cho ăn cám dạng viên giúp gà nhanh phát triển. Ngoài việc tiêm phòng định kỳ cho gà theo từng lứa tuổi, người nuôi cần chú ý đến tình hình thời tiết, nếu buổi sáng trời nhiều sương thì không nên thả gà sớm, còn khi có mưa giông đột xuất thì phải nhốt gà vào chuồng để gà không bị mắc bệnh”.
Nhờ nuôi mát tay nên sau gần 5 năm mở trại chăn nuôi đến nay, đàn gà Đông Tảo của 2 anh em ông Tôn Văn Cầu phát triển khá ổn định, không xảy ra dịch bệnh, trong đó có 40 mái đẻ, 20 con trống được tuyển chọn từ những dòng huyết khác nhau dùng để nhân giống, đảm bảo cung ứng nguồn giống sạch, kỹ thuật nuôi cho người dân địa phương và gà thương phẩm cho người tiêu dùng. Theo ông Cầu, nếu chăm sóc tốt từ lúc gà con đến khi xuất chuồng khoảng từ 6 đến 8 tháng là gà sẽ đạt trọng lượng trên 3kg/con, với giá gà thịt dao động khoảng 250.000-300.000 đồng/kg hơi. Nếu gà có trọng lượng từ 4-5kg/con trở lên thì không bán theo cân mà theo giá thương lượng. Đặc biệt giống gà này, nếu giữ lại nuôi trên hai năm thì trọng lượng sẽ đạt 6-7 kg, rất khó xuất chuồng và sẽ bị lỗ vì chúng ăn rất khỏe. Riêng đối với gà con mới nở khoảng 1 tuần tuổi giá bán giống là 250 nghìn đồng/cặp, nở 1 tháng là 400 nghìn đồng/cặp và trên 1 tháng là 600 nghìn đồng/cặp. Từ năm 2012 đến nay, trung bình hàng năm ông Cầu xuất bán hơn 150 cặp gà giống với nhiều loại giá từ 250 - 800 nghìn đồng/cặp và trên 100 con gà thịt cho một số nhà hàng trong và ngoài địa phương.
Cũng theo ông Cầu, mặc dù cũng có thời điểm “đứng hàng” nhưng nuôi gà Đông Tảo, nếu thành công cho thu nhập cao gấp hơn nhiều lần so với các loại gia cầm thông thường khác. Bởi từ gà cảnh, gà thương phẩm cho đến gà giống đều có giá trị cao.
Đánh giá về hướng phát triển loại vật nuôi mới này, ông Trần Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương nhận xét: “Gia trại chăn nuôi gà Đông Tảo của ông Cầu dù mới chỉ xây dựng và phát triển trong vài năm gần đây nhưng bước đầu đã cho tín hiệu kinh tế khả quan. Từ mô hình này, thời gian qua đã có nhiều dân trong và ngoài huyện tìm về đây mua giống về nuôi. Tuy nhiên, do vốn đầu tư con giống khá cao nên người dân chỉ mới phát triển với quy mô nhỏ lẻ. Dự định trong những năm tới, địa phương sẽ tiến hành khảo sát thị trường tiêu dùng và nhu cầu của bà con để kiến nghị lên các ngành chức năng cấp trên tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình nhằm đa dạng hóa các loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn”.