Nữ Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã nhiệt huyết với công tác tham gia bảo vệ môi trường nông thôn
Tuổi trẻ nhiệt huyết với công việc, chị tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên để tham mưu công việc nhanh và hiệu quả nhất. Ngoài tuyên truyền bằng văn bản, chị còn tập hợp những tài liệu liên quan đến Đề án, thông qua các đợt sinh hoạt chi, tổ Hội, các cuộc họp, đợt tuyên truyền...để lồng ghép truyền tải thêm nội dung cơ bản của Đề án đến cán bộ, hội viên nông dân trên toàn xã. Kết quả có trên 95% cán bộ, hội viên nông dân được phổ biến, quán triệt, làm theo; 98% hộ hội viên thu gom rác thải sinh hoạt đúng quy định; 9/9 chi Hội xây dựng được mô hình “Xây dựng chi Hội Xanh-Sạch-Đẹp”, “Đẹp nhà, sạch đường, xanh đồng ruộng”; 90% gia trại chăn nuôi có công trình xử lý chất thải như hầm Biogas, hố ủ phân, đệm lót sinh học; 97% bao bì, chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng được thu gom và xử lý đúng quy định.
Để đạt được nhưng kết quả đó, trước hết chị nhận thấy công tác tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực, ý thức chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Chính vì vậy, hàng năm, đã phối hợp tham mưu cử 100 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường, hướng dẫn và cập nhật các kiến thức, thông tin, chính sách về biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho cán bộ, hội viên nông dân. Phối hợp tổ chức 5 lớp cho gần 600 hội viên tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất; chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, với địa thế là xã miền núi, chị còn tích cực phát động phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, trồng và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, nhất là rừng đầu nguồn; sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững đến hội viên nông dân trên toàn xã.
Điểm sáng tạo, nổi bật trong công tác của chị Đông phải nói đến việc chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình bảo vệ môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hàng năm, bản thân chị đã hướng dẫn, chỉ đạo mỗi chi hội xây dựng mới 1 mô hình chi Hội nhận tự quản 1 km đường giao thông nông thôn sáng - xanh - sạch; 1 mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tham gia xây dựng các quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường, các CLB nông dân xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia có hiệu quả vào việc đầu tư quản lý và bảo vệ các công trình nước sạch nông thôn; tham gia một số chương trình, dự án bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
|
Chị Trần Thị Đông kiểm tra điểm thu gom rác thải trên đồng ruộng do Hội Nông dân xã xây dựng. |
Kết quả trong 5 năm qua, chị đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng được 11 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu: Mô hình Thu gom bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, lắp đặt 18 hố rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật; Mô hình chi hội nông dân “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”; Mô hình nông dân tự quản thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư; Mô hình xử lý nước thải tại hộ gia đình; Mô hình hầm khí biogas; Mô hình áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; Mô hình nông dân nói không với túi nilon và sử dụng các sản phẩm sống thân thiện với môi trường; Mô hình xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế trang trại; Mô hình xây dựng tuyến đường nông dân tự quản; Mô hình tuyến đường hoa nông dân kiểu mẫu; Chương trình ngày Chủ nhật xanh...
Chị còn biết tranh thủ huy động các nguồn lực hỗ trợ nông dân bảo vệ môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu. 5 năm qua, đã vận động nông dân tham gia đóng góp hơn 10 triệu đồng, 35 ngày công, các doanh nghiệp hỗ trợ 07 triệu đồng,...để tiếp tục duy trì hoạt động và xây dựng mới các mô hình về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn; phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ 24 hộ hội viên vay với số tiền 241 triệu đồng để thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đông cho biết: “Trong công tác thực hiện Đề án muốn đạt được kết quả tốt cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động đồng thời của 3 phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội (Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Nông dân thi đua xây dựng NTM; Nông dân tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”). Chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; chủ động tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách; tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân. Chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân…”.
Với những nổ lực của bản thân, giai đoạn 2014 – 2020 chị Đông được các cấp tặng nhiều giấy khen. Năm 2016 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng Nông thôn mới” và 3 phong trào thi đua do Trung ương HNDVN phát động; năm 2021 được BCH Hội nông dân tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW của BCH Trung ương Hội về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020”.