10 năm nuôi bò, xây nhà tiền tỷ
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Hữu Long, ở thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh. Sau nhiều năm bôn ba với đủ thứ nghề, lặn lội từ nam chí bắc để buôn đủ loại hàng hoá từ lúa, gạo, đậu, hành, lạc, đến xe máy, xe đạp... rồi có cả mấy năm gắn bó với nghề sửa xe, nhưng cuối cùng ông Long đã thật sự gắn bó và làm giàu trên chính mãnh đất này. Ông Long bộc bạch “Thấy đất đai nhà rộng rãi, cỏ mọc xanh ươm, bỏ rất phí, lại được vợ khuyến khích, nên vào năm 2005, tui vay 7 triệu đồng để mua 1 con bò cái lai. Sau 1 năm, bò mẹ sinh bê con, tui bán bê thu lại gần đủ vốn. Thấy hiệu quả, tui vay mượn thêm gần 6 cây vàng để mua 4 con bò cái nền và 4 bê lai nuôi thịt. Gầy dựng đến nay gia đình tui có 20 con bò, gồm 9 bò cái sinh sản, còn lại là bò thịt và bê con.”
Nhẩm tính, ông Long xởi lởi: “Với 9 bò cái nền mỗi năm đều đặn cho ra 9 bê con, nuôi 6 - 7 tháng thì xuất bán, bình quân giá 18 triệu đồng/con, chí ít cũng thu xấp xỉ 150 triệu đồng; rồi bán 2 - 3 bò thịt, thu về 60 - 70 chục triệu đồng nữa, hỏi làm lúa, trồng màu sao mà có được”.
Phấn khởi vừa đưa tay chỉ vào căn nhà khang trang, hai tầng với thiết kế độc đáo vừa được xây dựng hoàn thành, ông Long vừa cho biết: “lúc bỏ vàng ra mua bò ai cũng bảo tui khùng, sao không cất nhà, nhưng tui nghĩ có bò ắt có nhà. Vậy mà thiệt, 10 năm chăn bò giờ tui xây được căn nhà khang trang này đấy”. Khi chúng tôi đến thăm, cũng là lúc ông Long đang “chăn” đàn bò 20 con thong thả gặm cỏ tươi dưới tán keo gần nhà. Ông Long phấn khởi bộc bạch dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục gây dựng đàn bò của mình lên 15 bò cái nền mới thôi.
Cũng từ con bò, ông Huỳnh Văn Ba, thôn Gia Vấn, xã Mỹ Hoà không những thoát nghèo mà còn có của ăn, của để, và nhất là cho con cái học hành đến nơi, đến chốn.
“Với đàn bò lai 30 con, gồm 15 con bò sinh sản, cùng bê con và bò thịt, mỗi năm tui thu ít nhất cũng 300 triệu đồng, nhờ vậy mới có lo cho mấy đứa con ăn học đàn hoàng, đến nơi, đến chốn chứ người nông dân mình biết làm gì bây giờ”, ông Ba phấn khởi tâm sự.
Nói về nuôi bò, ông Ba chăn nuôi rất bài bản, chủ yếu nuôi bò sinh sản; chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; chú trọng phòng chống dịch bệnh và chế độ dinh dưỡng cho bò... Ông Ba chia sẻ: “Sau chừng 8 - 10 tháng nuôi, con bò cái sẽ bắt đầu chu kỳ sinh sản. Sau khi phối tinh, cần theo dõi và chăm sóc tốt hơn, bổ sung đủ lượng sắt cần thiết. Sau khi bò sinh phải tăng gấp đôi dinh dưỡng... Bê con thì phải tập trung chăm sóc trong 20 ngày đầu để bê khỏe mạnh và chóng lớn. Cách đây gần một tháng, tui bán 5 con nghé, thu về gần 100 triệu đồng”.
Không chỉ gia đình ông Ba, ông Long, còn có hộ ông Lê Văn Hiếu (ở thôn Trực Ðạo - xã Mỹ Trinh) 4 năm nuôi bò thịt, bình quân thu lãi mỗi năm không dưới nửa tỉ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Đức (ở thôn Văn Trường - xã Mỹ Phong) khởi nghiệp nuôi bò năm 2014 với 2 bò cái nền, đến nay đã có đàn bò 11 con, thu về trên trăm triệu đồng/năm; và làm sao kể hết, biết bao nhiêu hộ nông dân ở Phù Mỹ, đã làm giàu từ chăn nuôi bò.
Trồng hoa thu nhập khá
Chuyển đổi những giống cây trồng mới trên những chân đất trồng lúa không hiệu quả cũng đã đem lại thu nhập khá cho người nông dân Phù Mỹ. 12 năm qua, ông Nguyễn Văn Khánh, ở xã Mỹ Chánh đã chuyển sang và gắn bó với nghề trồng hoa cúc với số lượng ngày càng nhiều, hiệu quả thu nhập ngày càng tăng.
Ông Khánh bộc bạch: Tết này tui trồng 1.000 chậu, nhiều nhất vẫn là chậu có đường kính miệng chậu là 0,4cm (800 chậu) “chậu cở này hợp với túi tiền nên dù sỷ hay lẻ đều dễ bán. Còn chậu có kích cỡ 0,8m (bình quân 1 triệu/chậu), 0,6m (bình quân 350.000đ/chậu) thì hầu như đều sản xuất theo yêu cầu của người chơi hoa. Đến thời điểm này coi như khá ổn định, nếu không bão lớn ập đến bất ngờ, thì nói thiệt, cúc tết năm nay, tui tiếp tục thành công.
Thổ lộ, ông Khánh tiếp “Trồng hoa rất là khổ, nhưng bù lại thu nhập luôn gấp đôi, gấp ba lần so với trồng các loại hoa màu khác. “năm ngoái với 1000 chậu cúc, trừ chi phí tui thu về gần cả trăm triệu đồng.”
Năm nay ngoài cúc, ông Khánh còn trồng thêm cả ngàn chậu hoa các loại khác. Ông Khánh xởi lởi, người nông dân mình làm bây giờ khoẻ lắm, thuê người làm hết từng khâu một, mình mới có thời gian quan sát, theo dõi và điều chỉnh cho phù hợp.
Và không chỉ ông Khánh, hiện nay, ở Phù Mỹ, có thể kể đến nhiều nông dân trồng hoa khá giàu lên trông thấy như ông Phận ở thị trấn Phù Mỹ, ông Sang ở Mỹ Hiệp, ông Nhi, ông Chánh ở Thị trấn Bình Dương… Vâng, từ vật nuôi, cây trồng đa dạng… nông dân Phù Mỹ - họ thực sự đã và đang làm giàu trên mảnh đất quê hương của chính mình.