Mỹ Châu hôm nay, bạt ngàn màu xanh mơn mởn của cây đậu phụng, từ trên gò đồi, đến các ruộng và tới tận khu vườn nhà…và cả một đàn bò mập mạp đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều bà con nơi đây. Một trong những nông dân điển hình ấy là cặp vợ chồng anh Đặng Ngọc Tài, thôn Quang Nghiễm.
Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, mồ côi từ nhỏ nên mọi việc phải biết tự lập là chính. Anh Tài đã từ bỏ nghề thầy giáo sau hơn 3 năm đứng trên bụt giảng, tiến tới làm ăn kinh tế trên mảnh đất quê hương cho tới ngày hôm nay. Bắt đầu bằng nghề lái xe tải, ép mía đường…sau này anh đã đầu tư vào chăn nuôi bò lai sinh sản, trồng trọt đạt kết quả anh tiếp tục đầu tư. Con bò là đầu cơ nghiệp, từ việc nuôi vài con nhân lên đến nay đã chục con bò lai. Tận dụng diện tích đất hơn 3 mẫu đất để trồng đậu phụng,luân canh cây mè, xen canh cây mỳ, trồng đậu phụng trái mùa vụ trên đất ruộng…cho thu nhập hàng năm gần 7 tấn đậu phụng, hơn 2 tấn mè và lúa gạo ăn dư giả. Bên cạnh đó, gia đình anh Tài còn trồng thêm 2 ha cây bạch đàn và keo lai. Tính cả thảy hàng năm gia đình anh thu nhập hàng năm phải tới vài ba trăm triệu đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí lãi hàng trăm triệu.
Anh Tài chia sẻ kinh nghiệm: Để thâm canh cây đậu phụng đạt năng suất cao nên làm đất sớm bằng cách rãi phân chuồng và phân lân, vôi đánh nhuyễn vào đất trước khi xuống giống khoảng chừng hơn tuần. Đảm bảo lượng nước tưới từ 7-10 ngày và cần bổ sung các loại thuốc đảm bảo ra nhiều hoa, trái nhiều, chắc hạt vào lúc cây đậu khoảng chừng hơn 2 tháng. Về nuôi bò lai, cần phải bổ sung thức ăn đầy đủ và thường xuyên tắm rửa vào những ngày nắng nóng, con bò mượt lông chóng lớn hơn. Hàng ngày, ngoài rơm rạ cần bổ sung thêm các loại thức ăn khác như: cháo gạo, bắp hoặc mỳ đem xay nghiền bỏ tý muối vào nước cho bò uống; trồng thêm cỏ hoặc tỉa lá bắp quanh thân cây bổ sung thêm thức ăn xanh cho bò. Và nhất là tận dụng rau đậu phụng, đem phơi thật khô làm thức ăn cho bò sẽ giúp bò nhanh lớn, mập mạp, và mướt lông.
Còn anh Huỳnh Văn Trang – 47 tuổi, ở thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa – một trong nhiều nông dân làm giàu từ đất, khi tôi đến, anh đang “chỉ huy” thợ sửa chữa lại ngôi nhà, xây thêm các phòng để con cái có mỗi đứa một chỗ học tập, vui chơi, anh sôi nổi sẻ chia “Tất cả nhà tôi sống nhờ vào đất. đất tốt hay xấu, do mình chăm sóc, cấy cày thôi. Giờ tui còn muốn có thêm đất nữa mà”. Vậy nên, cứ trên diện tích 21 sào đất cũ được cấp, được đấu giá từ quỹ đất dự phòng của xã, hàng chục năm qua anh dành hẳn 8 sào cho 3 vụ lúa/năm, xấp xỉ thu 7 tấn thóc, nhưng theo anh, điều quan trọng hơn là lấy rơm nuôi bò, cứ bình quân mỗi năm từ 3 bò cái nền sinh 3 bê con, nuôi 5 tháng, bán giống, thu gần 50 triệu đồng. Trên diện tích còn lại, tùy mùa, tùy vụ anh luân xen canh xoay vòng các cây trồng: từ đậu, mướp, ớt, dưa leo, khổ qua, đến củ kiệu…tuy giá cả đôi khi thất thường nhưng bình quân hằng năm anh Trang thu cả trăm triệu đồng…đề cập đến chuyện sắm vàng, anh cười khà “vàng đó chứ đâu”…Và chúng tôi phải tế nhị “hãm phanh” lui gót sớm cuộc trò chuyện bên hiên nhà, vì di động của anh reo lên liên tục từ người bạn vừa trúng ớt lứa đầu đã kiếm hơn mấy chục triệu đồng đang mời đợi đến lâm râm…
Hơn 10 năm làm thợ điện tại hợp tác xã, đồng lương không đủ cho cuộc sống của gia đình. Năm 23 tuổi, anh bắt đầu nuôi 3.000 con chim cút, tăng dần đến nay lên 30.000 con. Từ nhiều nguồn vốn vay và tài sản có được anh tập trung đầu tư vào 2 trại nuôi chim cút về kỹ thuật, con giống, chuồng trại, lò ấp trứng…gần 800 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh đã làm chủ được tài sản của mình gần tỷ đồng.
Bằng phương pháp và áp dụng đúng kỹ thuật mới về ấp trứng, giờ đây anh đã chủ động được con giống. Anh chia sẻ: Đối với chim cút, phòng ngừa bệnh là chủ yếu, hiện chưa có vacxin tiêm phòng riêng, hàng ngày phải theo dõi thường xuyên như trạng thái chim cút bỏ ăn, phân trắng…Hàng tuần, cho uống thuốc ngừa bệnh định kỳ.Trung bình mỗi tuần cung cấp từ 1 đến 2 lần thuốc bổ, chất dinh dưỡng để chim cút cho trứng đều đều.
Tùy vào sức sinh trưởng, thường thì chim cút cho trứng đạt cao nhất là 90% so với tổng đàn. Giá trứng hiện tại giao động từ 4.000đ- 5000đ/1 chục, giảm vài trăm đồng so với năm ngoái. Trứng cút được đóng thùng gửi đi các tỉnh thành như: Gia Lai, Komtum, Quảng Ngãi, Đã Nẵng và trong địa phương để bán. Phân cút rất tốt cho bón lót cho cây lúa, cà phê, hồ tiêu, mỗi tháng gia đình thu được từ bán phân cút lên tới 10 triệu đồng. Hàng ngày, gia đình anh Lai thu lãi được trên 500 ngàn đồng/1 ngày.
Có thể nói: không chỉ các hộ ông Đặng Ngọc Tài (Mỹ Châu), Huỳnh Văn Lai (Mỹ Lộc), Huỳnh Văn Trang (xã Mỹ Hòa)…mà hàng ngàn hộ nông dân ở Phù Mỹ đã và đang làm giàu từ bàn tay, khối óc trên chính mảnh đất quê hương mình.