Thực trạng, giải pháp phát triển đảng viên là hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh
Để làm tốt công tác phát triển đảng viên là hội viên nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, nhận thức về Đảng cho hội viên nông dân; đa dạng hoá các hình thức tập hợp, vận động vội viên nông dân tham gia vào Hội, thông qua đó phát hiện các nhân tố tích cực để bồi dưỡng, phát triển Đảng.
Các huyện, thị, thành Hội và cơ sở Hội đã tích cực chỉ đạo các chi, tổ Hội, câu lạc bộ nông dân thực hiện đồng bộ các giải pháp để chọn lọc hội viên nông dân ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, các lớp học tập, quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Hội cấp trên. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước của Hội; xây dựng và nhân rộng các mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ nông dân, qua đó phát hiện, giúp đỡ hội viên nông dân ưu tú phấn đấu vào Đảng. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng cùng cấp duy trì nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội; phân công đảng viên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ quần chúng ưu tú là hội viên nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên nông dân rèn luyện, phấn đấu, đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Trong giai đoạn 2010 - 2021, các cấp Hội trong tỉnh đã tạo nguồn, giới thiệu cho Đảng 3.535 hội viên nông dân ưu tú, trong đó có 2.137 hội viên nông dân ưu tú được kết nạp vào Đảng, nâng tổng số đảng viên là hội viên nông dân toàn tỉnh hiện nay lên 12.149 đảng viên (chiếm 5,52% tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh), trong đó chủ yếu là các đối tượng chi hội trưởng, chủ nhiệm các câu lạc bộ nông dân, hội viên nông dân nòng cốt, hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và hội viên nông dân trực tiếp lao động, sản xuất trên đồng ruộng.
Nhìn chung, các đảng viên là nông dân sau khi được kết nạp vào Đảng phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Hội và địa phương phát động; là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Trong thời gian qua, đã có hàng nghìn lượt hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn được các đảng viên là hội viên nông dân hỗ trợ, giúp đỡ về cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vốn, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng viên là hội viên nông dân trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc; số lượng hội viên nông dân ưu tú được kết nạp Đảng còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với số lượng hội viên nông dân hiện có; phần đông hội viên nông dân còn hạn chế về trình độ lý luận chính trị, văn hóa, lớn tuổi; một số do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, chưa quan tâm phấn đấu vào Đảng. Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng để hội viên nông dân phấn đấu vào Đảng ở một số cơ sở Hội chưa được quan tâm đúng mức; một số hội viên nông dân ưu tú chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi được vào Đảng.
Để làm tốt công tác phát đảng viên là hội viên nông dân trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần tiếp quán triệt sâu rộng quan điểm chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh về công tác phát triển đảng trong hội viên nông dân. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về Đảng cho hội viên nông dân; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng có giải pháp nâng cao trình độ chính trị, văn hoá cho hội viên nông dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội; nâng cao chất lượng tổ chức các phong trào thi đua của Hội, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn để thu hút hội viên nông dân tham gia, từ đó phát hiện các nhân tố tích cực tạo nguồn, giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân cơ sở cần tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng cùng cấp duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phân công đảng viên theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú là hội viên nông dân; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để thảo luận, tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên là hội viên nông dân. Thường xuyên phối hợp với Mặt trân Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp phát động tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua thu hút hội viên nông dân tham gia, tạo điều kiện để hội viên nông dân có môi trường rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.