Cát Khánh là căn cứ địa cách mạng trong thời chiến đã phải chịu biết bao mưa bom, bão đạn nhân dân nơi đây phải di cư đến địa phương khác, cái đói, cái rét, luôn theo đuổi người dân vốn đã nhiều cơ cực. Những tên tuổi anh hùng Vũ Bảo, Ngô Lê Tân những người con thân yêu của Cát Khánh đã in sâu vào lòng người, ngời sáng thêm trang sử đấu tranh Cách mạng hào hùng của dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công càng khiến cho hào khí đấu tranh dậy khắp mọi nơi. Bước vào những năm chống Mỹ, cán bộ và nhân dân Cát Khánh tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức vô cùng ác liệt, vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Có được như ngày hôm nay, cán bộ và nhân dân Cát Khánh phải đổi lấy xương máu của biết bao thế hệ trong hai cuộc kháng chiến một mất một còn với kẻ thù xâm lược ngay trên quê hương mình. Cát Khánh có 294 liệt sỹ, 164 gia đình có công cách mạng, 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 266 người bị thương trong chiến tranh, trong đó có 62 thương binh, 3 bệnh binh, 1 người tàn tật. 640 đối tượng có công cách mạng được nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại, 3 danh hiệu AHLLVT. Ghi nhận những công lao đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà, năm 2005 xã Cát Khánh đã vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lược lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày giải phóng, tiếp bước thế hệ cha anh, Đảng bộ và nhân dân Cát Khánh ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, nổ lực hết mình trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Ông Mai Hoang, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã cho biết: Những năm gần đây, Cát Khánh có nhiều thay đổi vượt bậc, điển hình nhất là hệ thống giao thông trên địa bàn. Trước đây việc đi lại của người dân rất khó khăn do đường lầy lội, cầu thô sơ, thì nay các tuyến đường đều được trải nhựa hóa và bê tông hóa. Cầu khó đi được thay thế bằng cầu xi măng nối liền thôn này với thôn khác, xã này với xã khác tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn. Cát Khánh hôm nay đổi thay nhiều lắm, có thể nói là một trời, một vực. Từ cuộc sống lam lũ, đói nghèo, không đủ ăn đủ mặc xưa kia, bây giờ cuộc sống của người dân đã được nâng lên, tỷ lệ khá giàu tăng nhanh, cơ sở hạ tầng, đường sá, các công trình công cộng được đầu tư xây dựng hiện đại, khang trang, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Phát huy truyền thống anh hùng, bằng sự bươn chãi lam lũ, năng động và tự lực tự cường vốn có trong quá khứ, cộng với sự giúp đỡ có hiệu quả của cấp trên. Đặc biệt là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và điều hành năng động, sáng tạo của cả hệ thống nhà nước, quá trình hành động và tổ chức thực hiện của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhân dân. Cát Khánh đã đi lên trở thành xã biển phát triển về mọi mặt. Đời sống nhân dân từng bước ổn định và phát triển. Đất nông nghiệp được sử dụng có hiệu quả trong quá trình thâm canh cây trồng, vật nuôi. Phương thức sản xuất ngày một cải tiến, các thành tựu khoa học kỷ thuật không ngừng được ứng dụng vào thực tế canh tác, chăn nuôi của người dân. Năng lực thủy hải sản không ngừng được tăng cường. Các ngành nghề truyền thống được duy trì khôi phục và có phát triển khá vững chắc, phát triển kinh tế hộ gia đình nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng, số hộ khá, giàu trong xã ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Chia sẻ về những đổi thay của quê hương, bà Ngô Thị Kiều, thôn Chánh lợi cho rằng: “Trước đây, đời sống người dân khổ lắm, nhất là trong vấn đề tìm cách làm ăn để thoát nghèo. Nhưng nay đã khác rồi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vay vốn làm ăn, xây dựng trường học nên con cháu được học trong ngôi trường khang trang, giao thông đi lại thuận tiện… chúng tôi rất phấn khởi”.
Diện mạo nông thôn trên quê hương Cát Khánh ngày càng khởi sắc, có được như vậy là nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng, như: điện, đường, trường, trạm… đã được đầu tư đồng bộ, khang trang; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Nhiều gia đình chính sách ở địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt khó vươn lên, tiêu biểu như gia đình ông: Khổng Xuân Tha , thương binh hạng 3/4, ở thôn Thắng Kiên sau khi rời quân ngũ, mang trên mình nhiều vết thương nhưng bằng ý chí tự lực, ông đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tha tâm sự: “Trước đây, cuộc sống gia đình khó khăn, ruộng đất ít, quanh năm vợ chồng “đầu tắt mặt tối” vẫn không đủ ăn. Nhờ được chính quyền địa phương và Hội Cựu chiến binh xã quan tâm, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình nên cuộc sống đã được cải thiện, nhà cửa ổn định”.
Nhìn lại cách đây 47 năm đời sống nhà ở của nhân dân và trường học tranh tre vách nứa nhưng hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng và phát triển toàn diện. Hiện nay 100% nhà dân ngói hóa. Các trường học mẫu giáo, tiểu học, trường THCS được đầu tư xây dựng quy mô trường tầng khang trang sạch đẹp, hệ thống giao thông đi lại được đầu tư xây dựng bê tông hóa , tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa phát triển kinh tế, các công trình phúc lợi được Đảng Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng mang tầm chiến lược phát triển, Quốc phòng, kinh tế văn hóa xã hội. Điện lưới quốc gia được phủ kín trong xã với 100% hộ sử dụng, hệ thống sử dụng nước sinh hoạt trong nhân dân được đầu tư xây dựng. Trạm y tế phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được nhân dân hưởng ứng sâu rộng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương đạt 12,38%, thu nhập bình quân đầu người 51,1 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết: “Những năm qua, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, đầu tư của Nhà nước mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã phát huy truyền thống anh hùng trong xây dựng nông thôn mới; qua đó đã khắc phục các khó khăn nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong xã đã thay đổi rõ rệt, nhất là đời sống của các gia đình chính sách từng bước ổn định”.
Tin rằng, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, đời sống của bà con trên quê hương Cát Khánh anh hùng sẽ ngày càng no ấm, hạnh phúc.