Ngày 27.4.2022, chúng tôi được tham dự một hội nghị truyền thông về công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức tại huyện miền núi An Lão. Trong chương trình, hơn 60 cán bộ, hội viên nông dân xã An Tân được cán bộ Hội Nông dân tỉnh truyền tải những nội dung về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.
|
Tiểu phẩm về công tác bình đẳng giới do cán bộ, hội viên nông dân xã An Tân thực hiện tại Hội nghị truyền thông đã tạo không khí vui tươi, sinh động, thu hút người xem, nâng cao
chất lượng tuyên truyền.
|
Trong đó đề cập đến kiến thức cơ bản về giới và những vấn đề liên quan, nhất là vấn đề về định kiến giới và việc phân biệt đối xử về giới trong xã hội Việt Nam ngày nay, thực tế ở đâu đó vẫn còn tồn tại tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Song hành với đó là vấn đề bạo lực gia đình đã xảy ra tại một số địa phương không những ở nông thôn, miền núi mà ở cả khu vực thành thị hiện nay. Đối tượng vi phạm không chỉ có ở những người có trình độ văn hóa thấp mà cả đến thành phần trí thức, khoa học, người có địa vị cao trong xã hội cũng vi phạm Luật một cách tinh vi; bằng nhiều hình thức như bạo lực về thể xác, kinh tế, tình dục... Từ đó, giúp cán bộ, hội viên nông dân nhận thức rõ hơn về những hành vi được xem là bạo lực gia đình, vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.
Đồng chí Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh được mời làm giảng viên trong hội nghị truyền thông hôm đó kết thúc bài tuyên truyền bằng một lời khẳng định: Với vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, hội viên nông dân cần thay đổi tư duy, nghiêm túc thực hiện Luật Bình đẳng giới, khẳng định rằng, trong cuộc sống xã hội ngày nay, nam và nữ đều có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Ông Mai Rân, hội viên nông dân thôn Thanh Sơn, xã An Tân cho biết: “Theo tôi, những nội dung được giảng viên đề cập rất thiết thực, bổ ích; cách giảng viên truyền đạt cũng sinh động, dễ nghe, dễ hiểu. Về vấn đề phân biệt giới tính, tôi nghĩ đến thời nay vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân. Riêng về vấn đề bạo lực gia đình, tôi thấy ngày nay xuất hiện nhiều hơn so với thời trước, chủ yếu từ nguyên nhân về kinh tế, các tệ nạn, văn hóa xấu du nhập. Với các nội dung được truyền đạt, tôi sẽ tích cực tuyên truyền cho chính các thành viên trong gia đình, đặc biệt là 2 người con trai của tôi chưa lập gia đình; tiếp đó là tuyên truyền đến bà con thôn, xóm và các hội viên nông dân khác của địa phương….”
Trong các hội nghị truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, chúng tôi nhận ra điều đặc biệt là số lượng tham gia của nam hội viên nông dân chiếm đại đa số.
Theo đồng chí Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân cho biết: Việc triệu tập nhiều cán bộ, hội viên nông dân nam giới là chủ đích của Ban Tổ chức, vì đa số các vụ việc liên quan đến bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình xuất phát từ nam giới.
Đồng chí cũng khẳng định thêm, công tác truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình đã trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Hội Nông dân xã. Việc nâng cao kiến thức, thay đổi tư duy cho nông dân về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình sẽ đem lại hiệu quả, tác động mạnh đến xã hội bởi lực lượng hội viên, nông dân rất lớn, đặc biệt là ở nông thôn.
Trong năm 2022, do những diễn biến khó lường của dịch COVID-19 nên việc tổ chức các hội nghị truyền thông được Hội Nông dân tỉnh Bình Định cân nhắc, lựa chọn thời điểm phù hợp để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đến nay, Hội đã tổ chức được 03 hội nghị truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình với sự tham gia của trên 180 cán bộ, hội viên nông dân của 03 huyện, thị xã và sẽ hoàn thành việc tổ chức 01 Hội thi với chủ đề “ Nông dân tìm hiểu pháp luật về Bình Đẳng giới” năm 2022 tại huyện Tuy Phước trong quý II.2022.
Chất lượng các hội nghị cũng được chú trọng, tránh hình thức; Đặc biệt, việc xây dựng các tiểu phẩm về công tác bình đẳng giới trong các Hội nghị truyền thông đã tạo không khí vui tươi, sinh động, thu hút người xem, nâng cao chất lượng tuyên truyền.
Qua đó thể hiện được vai trò và trách nhiệm của Hội Nông dân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội cũng như vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội Nông dân các cấp.