Nó để lại nhiều hậu quả tiêu cực trong đời sống xã hội, đặc biệt là gây tổn thương đến gia đình, tình làng nghĩa xóm và trật tự an toàn xã hội. Trong những năm gần đây, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương ở huyện miền núi An Lão đã tăng cường thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, ngăn chặn có hiệu quả nạn tự tử, nghi kỵ cầm đồ và bài trừ các hủ tục trong đời sống của đồng bào Hrê và Ba Na, từng bước ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện…
|
Già làng Đinh Xuân Bền trao đổi với phóng viên. |
Thấy được tác hại to lớn của nạn tự tử và nghi kỵ cầm đồ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2011 huyện An Lão ban hành thực hiện 02 Đề án về “Nâng cao năng lực của gia đình và cộng đồng trong phòng, chống tệ nạn tự tử giai đoạn 2011-2015” và Đề án “Phòng ngừa, ngăn chặn tiến tới xóa bỏ tệ nghi kỵ cầm đồ giai đoạn 2011-2015”. Theo đó UBMTTQVN các cấp và các Hội đoàn thể chính trị xã hội, các ban, ngành chức năng liên quan và Đảng ủy các xã, thị trấn đã cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trong nhân dân về tác hại của tệ tự tử, tự sát, nghi kỵ cầm đồ. Các hội đoàn thể phát động hội viên đăng ký cam kết gia đình không có người tự tử, nghi kỵ cầm đồ gắn với thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương. Đặc biệt là động viên đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bám sát địa bàn dân cư, tuyên truyền, giải thích, vận động, hòa giải kịp thời những vụ việc mâu thuẩn trong nội bộ nhân dân. Các cơ quan pháp luật phối hợp với hội đoàn thể tổ chức phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó đã tạo được bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong phòng ngừa và ngăn chặn các hủ tục lạc hậu.
Đi đôi với việc làm trên, trong nhiều năm qua huyện An Lão đã quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các xã đặc biệt khó khăn, miền núi vùng cao, vùng xa. Nhờ vậy, kinh tế hộ trên địa bàn huyện từng bước được ổn định và phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân 5%.
Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực của gia đình và cộng đồng phòng, chống tệ nạn tự tử, nghi kỵ cầm đồ trên địa bàn huyện An Lão giai đoạn 2011-2015” cho thấy: Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện An Lão đã xảy ra 65 vụ tự tử, có 51 người được phát hiện và cứu sống, 14 người chết, giảm 50% so với trước, bao gồm 04 người chết là người kinh, 02 người Ba Na và 08 người là dân tộc Hre. Điều đáng mừng là 5 năm qua huyện An Lão không để xảy ra vụ nghi kỵ cầm đồ nào.
Ông Đinh Xuân Bền già làng, người có uy tín ở Thôn 2, xã An Hưng đã có nhận xét: “Nguyên nhân trực tiếp xảy các vụ tự tử, nghi kỵ cầm đồ được xác định xuất phát từ mâu thuẩn trong gia đình, chủ yếu là vợ chồng thiếu kinh nghiệm trong ứng xử; khó khăn về kinh tế và bất đồng trong lối sống đã va chạm vào lòng tự ái, tự ti của mỗi người nhưng không được giải quyết kịp thời đã dẫn đến hành động cực đoan; Thói quen sử dụng rượu, bia quá mức, không kìm chế được bản thân nên đã có những hành động nông nổi; Một số trường hợp khác do bị bệnh tật kéo dài, không chữa khỏi đã tìm biện pháp giải thoát; Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là do trình độ nhận thức yếu kém, lười lao động nên đã có những ý nghĩ và việc làm tiêu cực”.
Để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn tự tử, tự sát, kiên quyết không để việc nghi kỵ cầm đồ quay trở lại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đinh Minh Tấn, Bí thư Huyện ủy An Lão nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền địa phương ở huyện An Lão đã thảo luận và đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc tự tử, tự sát, nghi kỵ cầm đồ; nâng cao chất lượng công tác gia đình, với mục tiêu: “Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình và phòng chống bạo lực trong gia đình; khuyến khích, phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình”; có biện pháp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình và cộng đồng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Cùng với việc làm trên, huyện An Lão còn đề ra các giải pháp quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các hành vi liên quan đến tự tử, tự sát, nghi kỵ cầm đồ, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.