Ông Dư được biết đến là một “lão ngư” mê bài chòi cổ với khả năng sáng tác các bản bài chòi về chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, cuộc sống lao động của ngư dân miền biển, tuyên truyền bảo vệ rạn san hô….
Cái duyên bài chòi
Sinh ra và lớn lên ở làng biển xã Nhơn Hải, năm 12 tuổi sau khi học hết lớp tư ( lớp 2 bây giờ), ông Dư theo cha ra biển để kiếm sống. Ông kể, những lúc trăng thanh gió mát, sau những giờ lao động mệt nhọc trên biển, các bạn thuyền thường ngồi hô bài chòi, hát bội để vơi đi mệt nhọc, cũng là để giải sầu trong đêm. Những bản bài chòi có cốt truyện được lưu truyền qua nhiều thế hệ như: Thoại Khanh – Châu Tuấn, Tam Hạ Nam Đường, Thoái Tử Tại Quân, Vạn Huê Lầu…cùng những bản bài chòi được ngư dân miền biển Nhơn Hải sáng tác. Từ những chuyến biển ra khơi vào lộng cùng bạn thuyền, ông Dư chăm chú lắng nghe với sự hâm mộ, từ đó bài chòi đã đến với ông như cái duyên, cái nghiệp, ông tập hô hát và thuộc lòng những bản bài chòi cổ, những điệu hò đối đáp, những làn điệu hát bộ. Cứ thế, ông Dư đã trở thành một người hát bài chòi cổ ở địa phương đóng góp vào phong trào văn hóa văn nghệ ở trong xã.
|
Ông Nguyễn Dư làm Hiệu biểu diễn bài chòi cổ tại xã Nhơn Hải trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016. |
Ông Dư kể lại: “ Hồi đó cư mỗi dịp trăng thanh gió mát, nghỉ biển ở nhà, mấy người lớn tuổi thường trải chiếu trước bãi biển để hát bài chòi cho vui, có cả ban nhạc với trống, kèn, đàn cò hẳn hoi. Tui cũng tham gia hát, lúc đó chỉ hát cho vui vì phong trào văn nghệ ở xã chưa phát triển lắm, nhưng cũng thu hút rất đông người dân trong xã đến xem.”
Vào khoảng thập niên 70, ở xã xuất hiện một số nghệ sỹ bài chòi từ các nơi khác đến biểu diễn hát dạo, vì đam mê bài chòi nên ngày nào ông Dư cũng đi theo để nghe họ hát và về trau dồi tập luyện, rồi ông tập tành sáng tác bài chòi được viết theo thể văn vần – chủ yếu là thể thơ lục bát, ông sáng tác với những chủ đề gần gũi trong đời sống làng biển Nhơn Hải, lời thơ mộc mạc, chân chất viết theo các làn điệu: Hò khoan, nói lối, xàng xê, xuân nữ, hò quãng, cổ bản….để tả về chuyện một người đi câu bị mất sõng, người đào giếng bị sập hầm, cảnh người dân chống chọi bão tố trong khi bão đổ bộ vào đất liền…những sáng tác của ông được người dân trong xã biết đến và hát truyền miệng với nhau cho đến bây giờ.
Góp phần phát triển phong trào văn nghệ địa phương
Năm 1972, địa phương thành lập đoàn cải lương xã Nhơn Hải, với nhiều thế hệ diễn viên phục vụ nhiều thể loại nghệ thuật: Cải lương, bài chòi biểu diễn phục vụ người dân trong xã và người dân ở Hải Minh (KV9, phường Hải Cảng bây giờ), lưu diễn tại các xã ven biển: Xuân Hải (tỉnh Phú Yên) được nhân dân hưởng ứng, ông Dư với vai trò vừa là diễn viên, vừa là phó đoàn đã phục vụ hăng say. Sau đó, vì nhiều lý do, qua 3 năm hoạt động, đoàn cải lương của xã đã tan rã. Nhưng ông Dư cùng với những người đam mê bài chòi vẫn duy trì phục vụ hô hát bài chòi cổ trong những đêm trăng tại bãi biển để tìm niềm vui, để duy trì nghẹ thuật và cũng là phục vụ ngư dân địa phương.
Ông Dư kể lại: “Sau khi đoàn cải lương tan rã, năm 1977, xã thành lập đoàn hát bội do thầy Đinh Quả ( đoàn tuồng Đào Tấn) về dạy, đoàn tuồng xã Nhơn Hải phục vụ biểu diễn trong xã trong mỗi dịp trăng ngư dân nghỉ biển. Nhưng hoạt động được khoảng 3 năm thì đoàn tuồng cũng tan rã vì nhiều nguyên nhân. Đến năm 1985, xã tái lập đoàn cải lương, nhưng hoạt động hơn 2 năm nữa thì lại tan rã luôn”
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, nghệ thuật bài chòi cổ ở địa phương bị gián đoạn và có nguy cơ mai một. Dần dà nhiều thế hệ lớn tuổi biết hô bài chòi cổ cũng đã là người thiên cổ. Cho đến nay, chỉ còn vài ba người biết hô, trong đó ông Dư và ông Đỗ Thanh Liêm là người hiếm hoi biết hô bài chòi cổ và sáng tác bài chòi. ( hiện tại ông Đỗ Thanh Liêm đã định cư tại Mỹ). Cho đến khoảng năm 2010, tỉnh và thành phố có chủ trương phục dựng lại nghệ thuật bài chòi cổ, và từ đó xã Nhơn Hải cũng đã dần phục dựng lại nghệ thuật bài chòi cổ, ông Dư trở thành một trong những diễn viên nòng cốt.
Năm 2012, thành phố Quy Nhơn tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao miền biển lần thứ XIII, đưa nội dung thi Hát bài chòi cổ dân gian, Hát hò đối đáp và tổ chức Đánh bài chòi cổ dân gian, để tôn vinh những nét đặc sắc văn hóa truyền thống của quê hương. Đội bài chòi xã Nhơn Hải tham gia, trong đó ông Dư đã đạt 2 giải Nhất với 2 nội dung: hát bài chòi cổ (làm ông Hiệu), và hát bài chòi đối đáp. và lần đầu tiên xã Nhơn Hải đã thành lập đội bài chòi cổ với 5 thành viên biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã vui xuân, đón tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Từ đó, trong mỗi dịp tết đến xuân về, nhân dân địa phương lại hào hứng tham gia chơi bài chòi cổ, nghệ thuật bài chòi cổ đã được lưu giữ và được nhiều người biết đến.
Hiện tại ông Nguyễn Dư là thành viên tích cực của nhóm hạt nhân đồng quản lý nghề cá ven bờ xã Nhơn Hải. Ngoài khả năng sáng tác bài chòi phục vụ trong các hội thi, biểu diễn văn nghệ ở địa phương. Ông Dư còn có một cái hay nữa là sáng tác và biểu diễn bài chòi trong các lớp tập huấn dành cho ngư dân trong xã, với nhiều chủ đề diễn tả về lớp tập huấn như: Nuôi trồng hải sản, bảo vệ san hô…và dường như, mỗi khi thấy ông tham dự lớp tập huấn là nhiều “khán giả” hâm mộ mời ông lên biểu diễn, đặt cho ông cái tên thân thương: “ ông Dư bài chòi”.