Vĩnh Thạnh: Đổi mới phương pháp hoạt động để thu hút nông dân tham gia sinh hoạt Hội
Thực tế cho thấy, lực lượng lao động nông nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế về nhiều mặt. chất lượng nguồn lực lao động nông thôn thấp hơn rất nhiều so với thành thị; tỷ lệ hội viên, nông dân chưa qua đào tạo còn cao, phụ thuộc chủ yếu vào mùa vụ; đa số hội viên, nông dân chưa có việc làm thường xuyên; ổn định, thu nhập thuộc vào loại thấp nhất so với các lĩnh vực khác của phát triển kinh tế; mức sống lao động và dân cư nông thôn còn bấp bênh; quan hệ lao động nông thôn chưa phát triển, sản lượng và chất lượng hàng hoá của nông dân còn nhiều bất cập, chưa tập trung và chưa cung ứng được theo Chuỗi sản xuất, chủ yếu trao đổi hàng hóa thông qua thương lái. Đó là những tác động không nhỏ đối với công tác đổi mới phương pháp hoạt động để thu hút nông dân tham gia sinh hoạt Hội.
Xác định công tác đổi mới phương pháp để thu hút nông dân tham gia sinh hoạt Hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn huyên. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong huyện đã chú trọng đổi mới phương pháp hoạt động; tích cực triển khai các phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên, nông dân.
Thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống hội viên nông dân nhất là hội viên nông dân nghèo khó, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân về kỷ thuật nuôi, trồng các loại cây, con, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời khai các nguồn vốn cho hội viên, nông dân vay, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nhiều mô hình giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình ngay tại địa phương. Định kỳ hàng tháng đánh giá hiệu quả kinh tế và tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho hội viên, nông dân.
Đến nay Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn trên 1.743 triệu đồng, đã đầu tư 23 dự án cho 102 hộ vay với số tiền 3.750 triệu đồng. Trong đó: dự án chăn nuôi 22/23 chiếm 95,5%, dự án trồng trọt 1/23 dự án chiếm 4,5%. Việc thực hiện các dự án thông qua nguồn vốn Quỹ HTND được Hội Nông dân huyện tiến hành thẩm định và đánh giá cụ thể, rõ ràng; kiểm tra đối chiếu từng hộ vay để đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích.
Mặt khác Hội tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT với tổng dư nợ trên 50.421 triệu đồng/538 hộ/19 tổ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác với tổng dư nợ 163,380 tỷ đồng/3.246 hộ/62 tổ. Qua các nguồn vốn trên, giúp các hộ nông dân nhất là hộ nghèo có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát huy nội lực phấn đấu xóa đói, giảm nghèo.
Các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân tham gia các mô hình phát triển kinh tế; chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 5 HTX và 18 tổ hợp tác với 146 hộ tham gia; 25 tổ hội nghề nghiệp với 326 hộ tham gia; 15 mô hình tự quản về an ninh trật tự; 41 mô hình bảo vệ môi trường... Thông qua mô hình HTX, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã thể hiện sự đổi mới phương pháp tập hợp hội viên, khắc phục phần lớn những nhược điểm, hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt chi hội, tổ hội truyền thống. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm; trang bị kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật; vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cấp Hội tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, hàng năm cung ứng hàng nghìn tấn phân bón, hàng nghìn tấn thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm, giúp hội viên đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh...Qua đó nông dân ngày càng tin tưởng và tích cực tham gia vào tổ chức Hội.
Có thể nói, nhờ đổi mới phương pháp hoạt động gắn với quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên, nông dân nhất là phương pháp hoạt động sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu của từng vùng, từng hội viên nông dân đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của hội viên, nông dân, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn đầu tư cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phát triển sản xuất, tăng thu nhập vượt khó làm giàu chính đáng như hộ Ông: Nguyễn Văn Nghinh ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp với mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/năm (đã trừ các chi phí); Hộ ông: Nguyễn Ngọc Bảo, thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang với mô hình chăn nuôi heo hướng nạc cho thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/năm (đã trừ các chi phí); hộ ông Đinh Dun làng 8, xã Vĩnh Thuận với mô hình trồng cây Điều ghép cho thu nhập tử 300 – 400 triệu đồng/năm (đã trừ các chi phí)...Đồng thời các cấp hội đã kịp thời phát hiện, nhân rộng những nhân tố mới trong lao động, sản xuất và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn huyện, có những tập thể, cá nhân đã được Hội các cấp đề nghị tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi ở cấp tỉnh và trung ương.
Trong thời gian đến để tổ chức Hội thật sự là nơi hội viên, nông dân thể hiện, bày tỏ nguyện vọng, mong muốn chính đáng, hợp pháp của mình thì phương pháp hoạt động của Hội đều phải xuất phát từ lợi ích của hội viên, nông dân. Không quan tâm thích đáng đến lợi ích thì không tạo được động lực phát triển. Đại diện cho quyền lợi của hội viên, nông dân là chức năng chủ yếu của tổ chức Hội. Vì vậy, chăm lo lợi ích của nông dân vừa là mục đích yêu cầu, vừa là động lực của công tác vận động hội viên, nông dân. Công tác vận động nông dân đòi hỏi phải nắm được tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nông dân để giải quyết kịp thời các yêu cầu, nguyện vọng của họ.