Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn và đẩy lùi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Bình Định đã phối hợp với các ngành chức năng tích cực vào cuộc.
Trước thực trạng một số cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm để tăng trọng vật nuôi nhằm tăng lợi nhuận, ngày 7/9/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 7285/CT-BNN-CN về tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng và ổn định sự phát triển của ngành chăn nuôi. Tại Bình Định, ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề chất cấm trong chăn nuôi; thành lập Đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm; phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Salbutamol tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn, gà… nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đảm bảo người dân được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn.
Tăng cường quản lý các cơ sở chăn nuôi
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, thực trạng hiện nay, tình hình chăn nuôi tại Bình Định đang phát triển mạnh, đặc biệt là chăn nuôi lợn (heo), tuy nhiên, phần lớn vẫn là chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ với hình thức nông hộ hoặc gia trại, chưa có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn như Trại lợn giống Long Mỹ, Trại lợn của công ty Thạnh Phú, Trại lợn của Công ty Bình Định xanh… đơn vị quản lý vệ sinh thú y hỗ trợ quy trình xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình quản lý dịch bệnh, sử dụng thuốc và thức ăn trong chăn nuôi. Đối với các nông hộ và gia trại, giao cho trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý hướng dẫn và giám sát trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bênh cạnh đó, căn cứ vào nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn, Chi cục đã chủ động lấy mẫu giám sát, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là đối tượng lợn thịt xuất chuồng. Trong năm 2015, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành kiểm tra đột xuất nước tiểu, thức ăn và thịt tại các chợ trong tỉnh; đã lấy 102 mẫu; chỉ phát hiện dương tính Salbutamol trên nước tiểu và thức ăn tại máng của một hộ chăn nuôi có hàm lượng vượt ngưỡng.
Trong tháng 2/2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và ma túy Công an huyện Phù Cát kiểm tra việc sản xuất kinh doanh thức ăn gia súc có bổ sung chất cấm đối với ông Nguyễn Thanh Chất có dấu hiệu làm giả thức ăn gia súc và bổ sung chất cấm trong thức ăn, hồ sơ đang được Công an huyện Phù Cát thụ lý.
Vẫn còn khó khăn trong phát hiện và xử lý
Việc phát hiện và xử lý các cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với ngành Nông nghiệp nói chung và cơ quan Chăn nuôi Thú y nói riêng là vô cùng khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Việc phát hiện và xử lý hầu hết các trường hợp sản xuất, lưu hành chất cấm đều cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên ngành và phối hợp của các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường thì mới có hiệu quả. Mặt khác, hiện nay chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ (trang trại, gia trại), do đó việc kiểm soát là vô cùng khó khăn, khi phát hiện dương tính sau khi định tính với lô lợn chuẩn bị xuất chuồng, thì phải mất vài ngày mới có kết quả định lượng để làm cơ sở xử lý thì lợn đã được xuất bán nên rất khó xử lý.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT; của UBND tỉnh, Sở đã xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề chất cấm trong chăn nuôi; thành lập Đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn, gà… Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Salbutamol tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, các trang trại, cơ sở giết mổ, các chợ, siêu thị, nơi kinh doanh sản phẩm được chế biến từ thịt gia súc, gia cầm… Kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm theo các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đảm bảo người dân được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tuyên truyền rộng rãi về những nguy hại của sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, gây tổn hại đến sản xuất ngành chăn nuôi.
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ nói “không” với chất cấm trong chăn nuôi. Qua đó, không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được nuôi tại địa phương mà còn khẳng định và xây dựng được uy tín thị trường, tạo đà để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững./.