Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung thành lập và nhân rộng nhiều mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đồng thời, đây cũng là cơ sở thực tiễn để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Theo báo cáo, trong năm 2022, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn thành lập mới mới 9 Hợp tác xã với 114 hội viên, 215 Tổ hợp tác với1.585 hội viên, thành lập mới 19 chi Hội nghề nghiệp với 365 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt và 239 tổ Hội nghề nghiệp/2.049 hội viên, nâng tổng số chi, tổ Hội nghề nghiệp hiện có là 79 chi Hội nghề nghiệp/2.034 hội viên và 445 tổ Hội nghề nghiệp/5.303 hội viên tham gia sinh hoạt.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án "Hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hộ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị" năm 2022; tổ chức tập huấn kiến thức và kỹ năng lập và triển khai dự án sản xuất, kinh doanh chuỗi giá trị và cấp Giấy chứng nhận cho 146 học viên; làm việc với UBND 11 huyện, thị xã, thành phố về triển khai Đề án trên địa bàn; tổ chức các cuộc Hội nghị tháo gỡ khó khăn và triển khai một số nội dung cốt lõi của Đề án tại các huyện, thị xã, thành phố.
Để duy trì và phát huy hiệu quả mô hình, các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 2.574 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thông tin thị trường cho hơn 150.188 lượt người tham dự; các cấp Hội tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia xây dựng 101 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHKT góp phần phát triển kinh tế hộ tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, đã tổ chức cho nhiều hội viên, nông dân tham quan học tập mô hình mới trong và ngoài tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông triển khai mô hình thâm canh dừa theo hướng chất lượng, hữu cơ tại thị xã Hoài Nhơn; mô hình nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao kết hợp trồng cỏ tại huyện Tây Sơn và mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm – cua – cá trong ao sinh thái cây ngập mặn nước lợ tại huyện Tuy Phước; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh trên cây có múi tại huyện Hoài Ân; tổ chức 3 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, tại huyện Vĩnh Thạnh, Phù Cát và thị xã An Nhơn; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tổ chức 6 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT huyện tại Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vân Canh, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Thành Nhân, thành viên tổ hợp tác “Nông dân chăn nuôi bò sinh sản”, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn” chia sẻ: “Tôi tham gia và tổ chức Hội Nông dân đã lâu nhưng những năm trước việc sinh hoạt định kỳ của tổ chưa thu hút, do đa dạng thành phần dự nên nội dung sinh hoạt tổ chưa thể đáp ứng hết yêu cầu tổ viên. Gần đây việc chăn nuôi bò sinh sản có hướng thuận lợi, xu hướng phát triển mô hình này ngày càng tăng lên, người nuôi bò mong muốn được tham gia vào một tổ hội cùng ngành nghề, lĩnh vực để có thể bàn chuyên sâu vào vấn đề nuôi bò sinh sản. Khi nghe Hội Nông dân xã và chi Hội Nông dân thông báo, vận động thành lập tổ hợp tác “Nông dân chăn nuôi bò sinh sản”, tôi đăng ký tham gia ngay. Tham gia tổ hợp tác, tôi sẽ được học hỏi thêm những cách làm hay, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình chăm sóc và nuôi bò sinh sản, được hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất”.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường tuyên truyền về xây dựng chi, Tổ Hội nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục định hướng các Tổ Hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho hội viên các Tổ Hội nghề nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ. Ở lĩnh vực vốn, bên cạnh nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp Tổ Hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Mặt khác, đẩy mạnh đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng mô hình, qua đó kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp, hỗ trợ kịp thời; đồng thời, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong việc triển khai, thực hiện mô hình chi, Tổ Hội nghề nghiệp.”.