Hình thái thời tiết này không có lợi cho thủy sản nuôi. Đối với tôm thẻ chân trắng, khi nhiệt nước độ trên 33oC sẽ khiến cho tôm hoạt động nhiều, dễ bị căng thẳng. Hơn nữa, trong điều kiện môi trường bất lợi như môi trường phú dưỡng hơn, tảo phát triển nhanh, màu nước đậm, dễ dẫn đến tảo tàn…gây nên các sự cố đối với tôm nuôi.
Các sự cố thường gặp
- Thiếu oxy về đêm: Tôm có hiện tượng bơi lưng chừng nước. Một số con yếu sẽ bơi lên mặt, sẽ nguy hiểm hơn nếu tôm lột xác. Tôm sẽ chậm cứng vỏ, nổi mặt và bị hao hụt...
- Vi khuẩn phát triển nhanh và nhiều, điều này biểu hiện qua các hiện tượng nước phát sáng, tôm bị đứt râu, đường ruột không tốt, phân lỏng.
- Tảo tàn, nước có màu xanh đậm, có nhiều bọt không tan khi chạy quạt, cuối gió có nhiều váng bọt dơ bẩn, trong nước có nhiều hạt lơ lửng... Điều này sẽ làm tôm ăn giảm, nếu kéo dài sẽ làm tôm ốp, chậm lớn.
- Dễ xảy ra các bệnh như Đốm trắng, Gan tụy, phân trắng gây tổn thất cho người nuôi.
Và các giải pháp
- Nuôi nước có mực nước cao hơn 1.3 m, tăng cường hoạt động quạt nước để ổn định nhiệt độ trong ao, tránh hiện tượng nước bị phân tầng nhiệt độ, và kiểm tra hàm lượng ôxy có mức luôn cao hơn 4 ppm. Vào thời điểm nắng gắt, người nuôi nên bổ sung trực tiếp vitamin C hoặc Vitamin tổng hợp, khoáng chất vào ao nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm.
- Tăng cường bổ sung vitamin tổng hợp, đặc biệt vitamin C, khoáng ... vào thức ăn. Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn thông qua kiểm tra nhá, rút ngắn thời gian kiểm tra nhá, hoặc lặn đáy, đánh giá tỉ lệ sống để ước lượng thức ăn chính xác, để tránh dư thừa
- Theo dõi các yếu tố sinh thái học để quản lý môi trường ao nuôi tôm (tảo, vi sinh, yếu tố thủy lý hóa); Tăng cường sử dụng men vi sinh để cải tạo đáy ao, do thời điểm này lượng chất thải (thức ăn thừa, phân tôm) tích tụ nhiều dễ bị phân hủy tạo khí độc, và là cơ hội cho nhóm vi khuẩn Vibrio phát triển gây bệnh cho tôm. Quản lý đáy sạch không bị nhờn nhớt, màu nước ổn định có độ trong khoảng 25-30cm, trong nước ít chất lơ lửng, có ít bọt tàn.
- Hạn chế cấp nước vào ao nuôi, nếu cần thiết thì cấp nước từ ao chứa có nuôi cá rô phi. Khi ao nuôi có dấu hiệu bệnh (tôm vào bờ hàng loạt, chết đáy), Chủ hộ tiến hành niêm cống, đồng thời báo cho Khuyến ngư viên xã để thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng xử lý đúng theo quy trình, có giải pháp kỹ thuật kịp thời nhằm tránh rủi ro cho tôm nuôi.
- Đối với ao đã bị bệnh, người nuôi không thả nuôi lại trong thời gian này, do mầm bệnh vẫn còn khả năng tồn lưu trong môi trường, tác động bất lợi đến nuôi tôm vụ 2.Thực hiện cải tạo, tiêu độc khử trùng ao nuôi từ 15 ngày đến 1 tháng, thả tôm theo hướng dẫn của Lịch thời vụ nuôi tôm vụ 2./.