Hội Nông dân thị xã An Nhơn: Tập hợp, đoàn kết khuyến khích nông dân phát triển kinh tế, làm giàu
Ông Trần Cao Đệ, một nông dân ở xã Nhơn Phong, đã đầu tư phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi chim Bồ câu và nuôi gà thịt. Trên diện tích gần 500m2 ông Đệ đầu tư khoảng 50 triệu đồng để làm chuồng và mua các dụng cụ chăn nuôi, lắp đặt hệ thống nước uống tự động. Từ 20 căp bồ câu ban đầu, đến nay, trang trại của ông đã phát triển lên khoảng 500 cặp chim câu bố mẹ sinh sản. Ông Đệ cho hay: “Bồ câu con từ khi đẻ cho đến khi bắt đầu ra ràng khoảng 20 ngày bán được 100 nghìn đồng/ cặp. Nếu bán giống, tôi nuôi 30 ngày và bán với giá 250 nghìn đồng/ cặp. Tính ra, riêng nuôi bồ câu mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 90 đến 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi còn đầu tư nuôi gà thịt với quy mô trên 3.000 con gà thịt/ lứa. Với cả 2 mô hình, mỗi năm gia đình có doanh thu 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc và trả công lao động, gia đình thu về khoảng 250 triệu đồng”.
|
Ông Trần Minh Tâm, KV Kim Châu, phường Bình Định hiện đang tập trung phát triển cây Sâm Bố Chính để phát triển kinh tế gia đình.
|
Tùy theo điều kiện thực tế ở địa phương, với định hướng phát triển kinh tế- xã hội, các cấp chính quyền và Hội Nông dân các cấp của thị xã tập hợp, khuyến khích nông dân phát triển kinh tế thích hợp. Tại xã Nhơn An, Hội Nông dân khuyến khích người dân ở địa phương phát triển kinh tế bằng nghề trồng mai cảnh. Hiện tại xã có 5 làng nghề “Trồng cây mai cảnh” gồm các thôn: Háo Đức; Thanh Liêm; Thuận Thái; Trung Định; Tân Dương, với trên 1.500 hộ trực tiếp trồng cây mai cảnh. Tổng diện tích trồng mai gần 50,5 ha. Hàng năm ước tính doanh thu từ cây mai cảnh của xã bình quân trên 60 tỷ. Cây mai cảnh đã đem lại thu nhập kinh tế ổn định cho người dân. Bà Trương Thị Cúc một hộ trồng trên 1.000 cây mai cảnh ở xã Nhơn An chia sẻ: “Hội Nông dân thị xã cũng đã hỗ trợ cho gia đình tôi về vốn giải quyết việc làm, đồng thời tạo điều kiện cho tôi tham gia các lớp tập huấn trồng, tạo dáng cây mai giúp cho gia đình tôi phát triển kinh tế, tăng thu nhập”.
Không chỉ phát triển các ngành nghề, cây trồng quen thuộc, Hội Nông dân thị xã cũng khuyến khích, tiếp sức nông dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng rau hữu cơ để đáp ứng xu hướng tiêu dùng sạch, an toàn ngày càng cao của người tiêu dùng. Đơn cử như mô hình sản xuất rau sạch do anh Trịnh Hưng Công làm chủ ở xã Nhơn Hậu. Sau nhiều năm ở nước ngoài, anh Công tích góp được khá nhiều kiến thức và kinh nghiệm trồng rau hữu cơ tại Nhật Bản. Năm 2019, sau khi trở về quê hương tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, anh Công đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để thuê 1 ha đất nông nghiệp của các hộ nông dân trong vùng và mua sắm vật tư thành lập trang trai sản xuất rau sạch theo công nghệ Nhật Bản. Hiện trang trại của anh được nhiều người dân địa phương cũng như người tiêu dùng biết đến với tên gọi: Công ty cổ phần Yuuki Farm chuyên sản xuất và kinh doạnh các loại rau sạch như các loại rau cải, rau xà lách, cà chua, cà rốt… giống truyền thống Việt Nam và 1 số thứ giống từ Nhật Bản, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi ngày trung bình trang trại xuất khoảng 100kg rau sạch, tiêu thụ theo đơn đặt hàng của các đơn vị trong tỉnh. Với giá rau trên 40.000đ/kg, mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, trang trại của anh cho lãi khoảng 60 đến 70 triệu đồng. Đây là mức thu nhập đáng ghi nhận từ sản xuất nông nghiệp ở nông thôn hiện nay. Anh Trịnh Hưng Công cho biết: “Mới đây, Hội Nông dân thị xã An Nhơn cũng đã giúp cho trang trại của tôi xây dựng chuỗi liên kết nhằm giúp nhiều người dân địa phương cũng như người tiêu dùng biết đến trang trại của tôi nhiều hơn…”
Tại phường Bình Định, ông Trần Minh Tâm ở Kim Châu hiện đang tập trung phát triển cây Sâm Bố Chính để phát triển kinh tế gia đình từ năm 2020, tới nay, diện tích Sâm Bố Chính của gia đình mở rộng lên 8 ha, chủ yếu tại thị xã An Nhơn. Bên cạnh đó, ông Tâm còn đầu tư hệ thống máy móc để chế biến các sản phẩm Sâm Bố Chính. Ông Tâm cho hay: “Sâm Bố Chính chịu được thổ nhưỡng và khí hậu Bình Định và phát triển tốt. Hiện, ngoài, củ và rễ sâm có giá bình quân 450.000-500.000 đồng/kg, gia đình tôi còn thu hoạch hoa, lá sâm để sơ chế, bán ra thị trường”.
Ông Đào Xuân Huy, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Nhơn nhấn mạnh: “Có thể nói, qua các phong trào thi đua, các hoạt động cụ thể của tổ chức Hội triển khai trong thực tế, hội viên, nông dân đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, bà con nông dân trên địa bàn thị xã hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội và địa phương phát động, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự ở nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện và nâng lên. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào sâu rộng và được nông dân hưởng ứng tích cực”.