Biến đất cằn lên xanh
Những ngày cuối tháng 7, gia đình ông Nguyễn Đẹp, thôn Trà Cong, xã An Hòa đang khẩn trương thu hoạch cà tím để bán. Ông Đẹp cho biết: Trước đây, trên diện tích 06 sào đất này, gia đình tôi chỉ cấy được một vụ lúa do thiếu nước, không đem lại hiệu quả kinh tế. Năm 2022, nhận thấy cà tím là cây dễ trồng và phù hợp với thổ nhưỡng, dễ tiêu thụ nên tôi đã chuyển đổi toàn bộ sang trồng cà tím. Hiện tại, mỗi ngày gia đình thu hái được 60 – 80 kg quả và bán với giá 7.000 – 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mang về thu nhập hơn 600.000 đồng/ngày.
|
Trồng cà tím trên đất thiếu nước mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông Nguyễn Đẹp,
Thôn Trà Cong, xã An Hòa.
|
Cũng tại xã An Hòa, ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Vạn Khánh đang thu hoạch bắp nếp vui mừng cho biết: Hiện tại, 02 sào bắp trên chân ruộng thiếu nước của gia đình tôi đã cho thu hoạch 10 ngày nay. Bắp nếp trồng ở vùng đất này vừa dẻo vừa có vị thơm ngọt nên được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi bán được từ 300 - 400 bắp; Ước tính, nếu bán hết diện tích bắp trong vụ này, có thể thu nhập gần 10 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng lúa.
|
Trồng bắp nếp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân An Lão. |
Không chỉ riêng xã An Hòa, tại cánh đồng thôn Thanh Sơn, xã An Tân là khung cảnh bà con đang phấn khởi thu hoạch mè, đậu xanh, đậu phộng, khoai từ. Trò chuyện với chúng tôi, chị Võ Thị Lệ, thôn Thanh Sơn, xã An Tân cho biết: Nhiều năm nay, gia đình tôi đã không làm lúa vụ hè thu mà chuyển sang trồng thêm rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Trước đây, có lúc tôi trồng đậu nành, bắp lai, dù lợi nhuận có cao hơn trồng lúa nhưng vất vả, đầu ra gặp khó khăn. Khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình tôi quyết định chuyển 04 sào ruộng sang trồng mè trong vụ Hè thu, năng suất đạt 160 -180kg/sào, bán được 30.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 4 triệu đồng/sào, tăng gấp 1,5 lần so với trồng lúa.
|
Chị Võ Thị Lệ ở xã An Tân tăng thu nhập nhờ chuyển đổi 4 sào ruộng trồng lúa sang trồng mè vụ hè thu năm 2023. |
Còn tại cánh đồng thôn Hưng Nhơn, Thị trấn An Lão, bà con đang hái ớt vui mừng vì năm nay giá ớt tăng cao hơn so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Đào chia sẻ: Mùa hạn năm nay, tôi cải tạo 02 sào đất ruộng để trồng ớt. Số ớt này hiện nay phát triển tốt và đang trong thời kỳ thu hoạch. Trung bình mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 20 kg ớt trái. Hiện nay, trên thị trường giá ớt trái bán dao động từ 12.000 đến 15.000 đồng, bán lẻ từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg. Như vậy, từ mô hình trồng ớt mùa hạn này, bình quân mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập ổn định khoảng 8 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
|
Nông dân An Lão mở rộng diện tích trồng ớt trên đất thiếu nước. |
Chuyển đổi phù hợp
Được biết, vụ hè thu năm 2023, toàn huyện An Lão đã chuyển 125 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác. Các phương án chuyển đổi được đưa ra khá đa dạng với nhiều cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Nông dân lựa chọn những chân đất màu phù hợp, tập trung trên diện tích đất lúa thiếu nước vụ hè thu ở xã An Tân để trồng mè, đậu xanh, đậu phộng,…; Các vùng đất màu ven sông ở xã An Hòa để mở rộng diện tích trồng dưa hấu, bắp, khoai lang, cà tím, dưa lưới,… và mở rộng một số diện tích trồng ớt ở Thị trấn An Lão đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
|
Nông dân xã An Hòa thu hoạch khoai lang Nhật. |
Ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, Hội đã hướng dẫn bà con nông dân chuyển sang trồng một vụ lúa, một vụ màu trên đất lúa một vụ, lúa hai vụ màu cũng như các vùng sản xuất lúa năng suất thấp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân yên tâm sản xuất khi chuyển đổi cây trồng, Hội đã tích cực hướng dẫn bà con về khâu chọn giống, tập huấn kỹ thuật, tìm đầu ra cho các sản phẩm.
|
Mô hình trồng dưa lưới mang lại hiệu quả cao cho nông dân An Lão. |
Từ đó, người nông dân khai thác hiệu quả hơn diện tích đất đai với những loại cây trồng chịu hạn, sử dụng ít nguồn nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa. Quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện cho thấy các loại cây trồng được lựa chọn chuyển đổi mang lại thu nhập cao, lợi nhuận từ 3 – 5 triệu đồng/sào/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng hai vụ lúa.
Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng và phát triển các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.