Hội Nông dân xã Phước Hưng: năng động, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân
Đổi mới phương thức hoạt động của Hội
Ông Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng cho biết: “Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân là rất cần thiết, bởi tổ chức Hội là chỗ dựa, là niềm tin của nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, với chính quyền, là nhịp cầu tiếp nhận, chuyển giao các chương trình, dự án, hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ, dạy nghề giữa các tổ chức, doanh nghiệp đến với sản xuất và đời sống của nông dân”.
Trên cơ sở đó, tập thể xác định nhiệm vụ của Hội là tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với phương châm hướng về chi, tổ hội, coi việc xây dựng chi, tổ Hội là nền tảng để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Ngoài ra, công tác phát triển hội viên cũng được chú trọng, trong 5 năm đã kết nạp được 280 hội viên mới, đạt 110%.
|
Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình “Con đường mai vàng” do Hội Nông dân xã Phước Hưng phát động xây dựng. |
Hội Nông dân xã đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các đợt thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động của Hội. Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, đa dạng hoá mô hình hoạt động và hình thức tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân.
Tiêu biểu nhất là kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Đề án 24- ĐA/HNDTW ngày ngày 23/6/2016 của BTV Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp. Hội đã chủ động khảo sát nhu cầu của hội viên nông dân, xây dựng 2 chi Hội, 8 tổ Hội nghề nghiệp với 264 hội viên. Chi hội, tổ Hội đi vào hoạt động hiệu quả, tạo mối liên kết chặt chẽ trong hội viên, giữa hội viên với doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, nhà tư vấn trong quá trình sản xuất. Từ đó đã khắc phục cơ bản những hạn chế, khó khăn trong nhiều năm trước về hoạt động của chi, tổ Hội.
Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế
Hàng năm, Hội Nông dân xã đã tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đến các chi Hội và hội viên. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, các chính sách hỗ trợ... giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao.
Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế tập thể, gắn với sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản an toàn ở địa phương. Hướng dẫn thành lập mới 1 Hợp tác xã, 4 Tổ Hợp tác với 36 thành viên; giúp đỡ xây dựng 2 sản phẩm đạt OCOP, phối hợp tổ chức giới thiệu sản phẩm Gạo quê Phước Hưng và cây mai vàng lên sàn giao dịch điện tử Postmart.
Hội tích cực vận động phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân xã 80 triệu đồng; nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội 7.270.958.000 đồng/145 hộ vay, tăng 4.259.458.000 đồng so với đầu nhiệm kỳ; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 2 tỷ đồng/12 hộ vay. Đứng ra tín chấp cho 10 hộ trong tổ Hội nghề nghiệp trồng mai ở thôn An Cửu vay 430 triệu đồng từ Ngân hàng Bưu điện Liên việt. Phối hợp mở 8 lớp nghề cho 280 hội viên, đạt 163,33% chỉ tiêu; tham gia Hội thi "Sáng tạo nhà nông" tỉnh Bình Định có 1 nông dân đạt giải nhất, 2 nông dân đạt giải ba.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm tòi đưa các loại cây, con, ngành nghề dịch vụ mới vào sản xuất kinh doanh cho giá trị thu nhập cao, mở ra hướng đi mới cho nông dân học tập. Góp phần đưa tỷ lệ hộ hội viên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong toàn xã đạt 1.700 hộ, chiếm 68% so với số hộ đăng ký (cấp xã: 1.600 hộ, cấp huyện: 100 hộ, cấp tỉnh: 50 hộ, cấp Trung ương: 3 hộ). Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân xã vinh dự có 1 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, có 2 nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Tiêu biểu phải kể đến mô hình nuôi heo thương phẩm của bà Trần Thị Lệ ở thôn Lương Lộc. Được biết năm 2013, ngay sau khi có vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, bà Lệ bắt tay xây dựng chuồng trại trên 1.200m2 đất, mua heo giống và thức ăn. Chuyên môn vững, kinh nghiệm dày dặn, xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, sử dụng công trình Bioga vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa phục vụ chất đốt cho gia đình nên mô hình chăn nuôi heo của bà đạt hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt thời điểm dịch tả lợn châu phi gia đình bà ít bị ảnh hưởng, mỗi năm xuất bán trên 400 tấn heo thịt. Ngoài ra, bà Lệ còn đầu tư làm Đại lý cấp 1 cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm. Thu nhập sau khi trừ chi phí thời điểm năm 2020 là 4 tỷ đồng.
Nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
Phong trào nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới, được Hội Nông dân xã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều nội dung thiết thực như: tích cực đóng góp ngày công, kinh phí, dời rào, hiến đất...; vận động xây dựng, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố và xây dựng mới các mô hình bảo vệ môi trường trong sản xuất, xử lý chất thải sinh hoạt...
Tiêu biểu, Hội đã vận động xây dựng thành công mô hình “Vườn xanh” nhằm phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ với 100 hộ tham gia đóng góp 22 triệu đồng mua thùng ủ. Mô hình “Con đường mai vàng” đã vận động hội viên đóng góp trên 10 triệu đồng trồng 30 cây mai vàng góp phần tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Xây dựng 2 mô hình camera an ninh với kinh phí 22 triệu đồng từ nguồn vận động các mạnh thường quân. Tổ chức lắp đặt 9 camera đảm bảo quan sát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn của 100 hộ ở xóm 17, 18 thôn Nho Lâm...
Để có những kết quả đáng ghi nhận trên, ông Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng cho biết: “Để thực hiện tốt công tác Hội và phong trào nông dân, người cán bộ phải thực sự gương mẫu, luôn sâu sát với phong trào, sâu sát chi, tổ Hội, phải “nghe nông dân nói, nói nông dân thông và làm cho nông dân tin”. Biết vận dụng, phối hợp nhiệm vụ vào từng công việc, đối tượng cụ thể và tình hình thực tế địa phương. Thường xuyên và nhanh chóng thu thập đầy đủ thông tin, xử lý thông tin chính xác, kịp thời phân tích diễn biến từ đó giải đáp những vướng mắc cho hội viên nông dân”.