Nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực trong công tác phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở Khoa học & Công nghệ
Khoa học và Công nghệ luôn có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế hiện nay. Với mục tiêu đó, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học & Công nghệ đã ký kết Chương trình phối hợp, qua đó nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Theo đó, hai đơn vị đã thường xuyên viết và đưa tin, bài về các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ; phổ biến kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Kết quả, trong 3 năm qua (2021 - 2023), các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền về khoa học và công nghệ cho trên 230.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân.
|
Một hộ dân ở huyện An Lão ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Thường niên, hai đơn vị phối hợp tổ chức 3 - 4 lớp tập huấn về xây dựng nhãn hiệu hàng hoá cho hơn 300 hội viên nông dân. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 18 sản phẩm do nông dân sản xuất được bảo hộ thành công dưới dạng nhãn hiệu tập thể có gắn với địa danh (Hội Nông dân tỉnh chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Bánh ít lá gai Bình Định, Hội Nông dân cấp huyện chủ sở hữu 5 nhãn hiệu tập thể, Hội Nông dân cấp xã chủ sở hữu 12 nhãn hiệu tập thể); tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn phổ biến ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho hơn 200 hội viên nông dân. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ phát động và tổ chức Hội thi “Sáng tạo nhà nông” và Cuộc thi “Nông dân khởi nghiệp sáng tạo”. Từ các kết quả của các Hội thi, Cuộc thi 2 đơn vị đã phối hợp hướng dẫn các tác giả có giải pháp sáng tạo tra cứu, hoàn thiện sản phẩm để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng như hỗ trợ tham gia các cuộc thi do Trung ương tổ chức. Đối với các dự án đạt giải tại Cuộc thi “Nông dân khởi nghiệp sáng tạo” sẽ được xem xét, hỗ trợ tham gia Chương trình “Ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh” để kết nối đầu tư vốn cho việc nhân rộng và phát triển các dự án.
Mặc khác, Sở Khoa học và Công nghệ đang là đơn vị đầu mối theo dõi và triển khai 03 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi (NTMN): Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá Chình hoa (Anguilla marmorata) đạt năng suất và hiệu quả cao tại tỉnh Bình Định”; Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây bưởi da xanh và cây dừa xiêm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGap) ở huyện Hoài Ân - tỉnh Bình Định” và Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ vi sinh góp phần bảo vệ môi trường và phục vụ nông nghiệp sạch tại Bình Định”. Kết quả dự kiến của các dự án trên sẽ góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm của nông dân, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cho chính người dân cũng như địa phương.
Có thể nói, công tác phối hợp giữa hai cơ quan đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho đông đảo cán bộ, hội viên nông dân về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của khoa học và công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội; để hội viên nông dân hiểu và biết áp dụng vào sản xuất và đời sống; từng bước xây dựng hình ảnh người nông dân trong thời đại mới; có kiến thức, năng lực tiếp cận với nền khoa học hiện đại để sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 2 ngành; thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật đã từng bước đi vào cuộc sống khu vực nông dân, nông thôn; chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, khả năng nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ làm công tác Hội và phong trào nông dân được nâng lên; góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, góp phần nâng cao công tác phối hợp, trong thời gian tới, về phía Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến khoa học và công nghệ; trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật, các thành tựu về khoa học và công nghệ trong sản xuất - kinh doanh - chế biến; tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo của nông dân; xây dựng các mô hình điểm ứng dụng khoa học công nghệ mới hiệu quả, phù hợp theo hướng sản xuất hàng hoá, chuỗi giá trị”.
Có thể nhận thấy, thông qua chương trình phối hợp đã giúp nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ. Nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.