Cát Tường: Phát triển nghề truyền thống góp phần xây dựng nông thôn mới
Cũng là địa phương được chọn làm làng văn hóa du lịch Việt Nam. Địa phương đang dồn mọi nỗ lực cho việc phát triển các nghề truyền thống, nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.
|
Người dân thôn Phú Gia làm nón ngựa. |
Ông Nguyễn Đức Hoàng, chủ tịch UBND xã cho biết: Trên cơ sở xây dựng đề án phát triển các ngành nghề truyền thống, trong những năm qua địa phương, đã tập trung cho việc tạo nguồn vốn vay để người dân đầu tư phát triển nghề. Đồng thời xã cũng đã phối hợp với Trường Trung cấp thủ công mỹ nghệ tỉnh tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho người dân, từng bước khôi phục, phát triển nghề, cải tiến mẫu mã đáp ứng với thị hiếu tiêu dùng, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đi lại phục vụ cho việc phát triển ngành nghề truyền thống.
Toàn xã hiện có gần 1.000 hộ tham gia làm các ngành nghề truyền thống, chiếm gần 25% số hộ trong toàn xã, với khoảng 2.500 lao động tham gia, trong đó thôn Phú Gia đã chiếm 70% số hộ tham gia làm các nghề truyền thống, với mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 2 đến 3 triệu đồng 1 tháng.
Riêng nghề làm nón ngựa ở thôn Phú Gia, có trên 350 hộ với khoảng hơn 800 lao động, trong đó có hơn 70 hộ chuyên nghề làm nón ngựa. Bình quân một người làm nón ngựa sau khi trừ chi phí mỗi ngày còn thu được trên 70 ngàn đồng, nghề này không đòi hỏi cường độ lao động nặng, nên lao động chủ yếu là phụ nữ, và người già trẻ em đều có thể tham gia làm nón ngựa.
Ông Đỗ Văn Lan, ở thôn Phú Gia, một “nghệ nhân” làm nón ngựa cho biết: Sau khi được tỉnh công nhận làng nghề, và chọn xây dựng làng văn hóa du lịch Việt Nam. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa, cùng với cơ sở hạ tầng điện đường, nghề nón ngựa được hồi sinh. Không chỉ khách từ 63 tỉnh thành trong nước, mà còn có rất nhiều đoàn khách nước ngoài đến làng nghề nón ngựa Phú Gia để tham quan du lịch tìm hiểu để đặt hàng và mua hàng, nên làng nghề nón ngựa Phú Gia phát triển tương đối khá. Bình quân mỗi lao động làm nón ngựa khoảng 2 đến 2,2 triệu đồng /tháng. Riêng gia đình tôi mỗi tháng thu nhập trên 6 triệu đồng. Được biết là: Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học và công nghệ đã có quyết định cấp giấy chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nón ngựa Phú Gia” cho các sản phẩm nón được sản xuất tại ở thôn Phú Gia Thì chắc chắn trong thời gian tới nón ngựa Phú Gia là một trong những sản phẩm thủ công độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của Bình Định, sẽ được vươn xã hơn nữa, và như vậy thu nhập của người làm nón ngựa sẽ được nâng lên.
Bên cạnh làm nón ngựa, thôn Phú Gia còn có nghề làm bánh tráng với trên 400 hộ tham gia làm bánh tráng, bình quân mỗi lao động 1 tháng, sau khi từ chi phí có thu nhập trên dưới 3 triệu đồng, trong những tháng giáp tết thu nhập 5 -7 triệu đồng. Ngoài ra nghề làm nhang ở thôn Xuân Quang và Kiều Đông, thu hút trên 400 lao động. Nhiều hộ đã đầu tư phát triển nghề làm nhang bằng cách mở rộng quy mô sản xuất tập trung, quy mô khoảng 20 - 30 lao động. Các hộ này đầu tư vốn mua sắm máy móc, phương tiện, nguyên vật liệu… cung cấp đầy đủ cho người lao động sản xuất ngay tại nhà xưởng hoặc cho người lao động thiếu vốn nhận nguyên liệu và phương tiện về sản xuất ngay tại nhà mình dưới hình thức trả công theo sản phẩm, sau đó chủ cơ sở thu gom sản phẩm, nhờ đó người lao động tranh thủ được thời gian để tăng thu nhập. Còn khâu tiêu thụ thì các chủ cơ sở hình thành mạng lưới thông qua đại lý ở khắp các tỉnh trong cả Nước, sản phẩm làm ra chỉ việc gởi xe đến. Ông Đặng Văn Thanh ở thôn Xuân Quang, là chủ một cơ sở sản xuất nhang có 20 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập mỗi lao động từ 2 đến 2,5 triệu đồng mỗi tháng đã cho biết: Nhang được cơ sở làm ra, đưa lên tiêu thụ ở Gia lai, Đắc Lắc. Cứ mỗi tuần thì cơ sở tôi xuất bán khoảng 3 tấn nhang. Bình quân thu nhập mỗi lao động khoảng 2 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, Cát Tường hiện còn có Nghề làm cốm ở 2 thôn Chánh Liêm và Xuân An, còn khoảng trên dưới 10 hộ làm cốm tập trung, dưới quy mô mỗi cơ sở làm cốm như vậy thu hút trên dưới 20 lao động. Thu nhập từ nghề này hiện cũng khá cao từ 3 đến 5 triệu đồng 1 lao động/ tháng.
Đầu tư khôi phục và phát triển nghề truyền thống, xã Cát Tường đã tạo được nhiều việc làm cho người lao động, nhất là thời điểm nông nhàn, đồng thời đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể góp phần nâng cao mức sống của người dân, nhiều hộ từ khó khăn đã vươn lên ổn định và cải thiện cuộc sống. Góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và các tiêu chí về cơ cấu lao động, thu nhập, giảm nghèo.. trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy còn những vấn đề đặt ra, trong quá trình phát triển làng nghề như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dụng cụ lạc hậu, trong khi người làm nghề thiếu vốn để đầu tư để đổi mới thiết bị, mẫu mã đơn điệu, năng suất thấp, giá thành lại cao nên không đủ sức cạnh tranh với thị trường; Quy trình sản xuất thiếu đồng bộ, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, thiếu ổn định; Lao động tại các làng nghề chủ yếu làm theo kinh nghiệm, số lao động có tay nghề cao còn quá ít, việc đào tạo, truyền nghề còn mức khiêm tốn. Đặc biệt trong khâu khai thác nguyên vật liệu, và các dịch vụ phục vụ phát triển làng nghề không ổn định…. Bên cạnh đó, hoạt động của làng nghề chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nên mặt bằng sản xuất chật hẹp, người dân chưa quan tâm đúng mức đến thu gom chất thải, xử lý, nên dẫn đến việc ô nhiễm môi trường...
Giải quyết vấn đề đặt ra, xã Cát Tường, tập trung khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển nghề truyền thống với những hình thức phù hợp, nghiên cứu cải tiến mẫu mã đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng tại chỗ và tham gia xuất khẩu. Đồng thời liên kết với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho nông dân, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế hội nhập, xây dựng văn hóa trong kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hình ảnh làng nghề; Quản lý và khai thác tốt nhãn hiệu hàng hóa nón ngựa Phú Gia, trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm; Mặc khác, triển khai các biện xử lý ô nhiễm nhằm bảo vệ môi trường tại các làng nghề, để góp phần xây dựng NTM, tiến đến làng văn hóa du lịch./.