nâng cao mức sống của người dân, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển trồng trọt, đưa các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất tăng năng suất cây trồng, Huyện Phù Cát đã tích cực khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về đất đai, tạo việc làm tăng thu nhập.
|
Nuôi bò dưới tán điều ở xã Cát Nhơn. |
Toàn huyện hiện có tổng đàn bò hơn 50.373 con, nhiều xã có tổng đàn bò từ 3.500 đến trên 5.000 con như Cát Trinh, Cát Tường, Cát Hiệp, Cát Hanh… Nhờ thực hiện tốt công tác lai tạo nâng chất lượng đàn bò nên tỉ lệ đàn bò lai của huyện chiếm 85%, chủ yếu là bò lai Sind, Brecman. Nhiều xã có tỉ lệ đàn bò lai chiếm trên 90% như Cát Tài, Cát Hanh, Cát Tân … Chất lượng đàn bò được nâng lên nhờ vào lai tạo giống, và người chăn nuôi cũng đã phần nào chú trọng đến khâu thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng như: Bên cạnh tận dụng triệt để phụ phẩm trong nông nghiệp: rơm rạ, thân ngô, người chăn nuôi đã biết tăng cường thức ăn tinh, và trồng cỏ để có thức ăn xanh thường xuyên.
Bên cạnh đó, để bảo vệ đàn gia súc nói chung và đàn bò nói riêng phát triển ổn định, hàng năm huyện đã tổ chức 2 đợt tiêm phòng vacxin LMLM, mỗi đợt tiêm đạt 93 đến 95% tổng đàn trong diện tiêm. Ngoài ra người chăn nuôi còn tự mua vacxin để tiêm phòng, hoặc tẩy giun sán… Các hình thức chăn nuôi dưới trang trại nhỏ, nuôi gia trại theo hướng an toàn sinh học; nuôi vỗ béo nhốt tại chuồng… được áp dụng. Có nhiều hộ nuôi từ 10 đến vài chục con bò, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, đã góp phần đưa giá trị sản xuất từ chăn nuôi năm 2015 đạt gần 268,7 tỷ đồng, chiếm 43,1% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp huyện.
Chăn nuôi đã từng bước trở thành ngành sản xuất chính, nên không chỉ ở những vùng có điều kiện đất đai như Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Sơn… mà ngay cả những vùng diện tích đất canh tác ít. Tiêu biểu như ở thôn Chánh Nhơn – xã Cát Nhơn, với diện tích canh tác bình quân chưa tới 500m2/nhân khẩu, chỉ trồng lúa và hoa màu phụ với thu nhập không cao. Nhưng mấy năm gần đây nhờ phong trào nuôi bò vỗ béo – bò lai ở đây hình thành lan rộng đã giúp cho nhiều hộ trong thôn vươn lên thoát nghèo.
Ông Trần văn Cư – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn cho biết: Từ vài chục hộ nuôi bò, chỉ mấy năm nay giờ đây phong trào nuôi bò ở xã nói chung và thôn Chánh Nhơn nói riêng đã phát triển sâu rộng có hiệu quả kinh tế thiết thực. Đến nay có khoảng 50% hộ dân ở thôn Chánh Nhơn tham gia nuôi bò vỗ béo, bò nái sinh sản góp phần tạo việc làm thường xuyên mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhiều hộ dân, từ khó khăn nhờ nuôi bò đã vươn lên cuộc sống ổn định và có hộ khá giàu như: Hộ ông Phan văn Vinh, ông Nguyễn Văn Thiện, ông Bùi Tố Hà, ông Huỳnh Minh....Mỗi hộ có trong chuồng trên dưới khoảng 9 đến 10 con bò, nhà cửa xây dựng khang trang đầy đủ tiện nghi, các con có điều kiện ăn học chu đáo.
Ông Nguyễn Văn Trợ - 65 tuổi nông dân xóm Nhơn Tân – Thôn Chánh Nhơn, là một trong những trường hợp như thế cho biết: Nhà tôi cả nuôi bò sinh sản và nuôi bò vỗ béo 20 năm nay. Đây là nguồn thu nhập chính để lo cho các con ăn học và chi phí cho cả gia đình, có nuôi bò thì mới khá lên được. Hàng năm ông Trợ bỏ vốn mua 3 đến 4 con bò cỡ 3 năm tuổi về nuôi 3 đến 5 tháng, trời mưa trời nắng đều nhốt chuồng cho ăn cỏ, cứ bình quân chi phí đầu tư cho 1 con bò ăn mỗi ngày mất 2 lon gạo nấu cháo với rau và uống nước bột mỳ. Sau 3 tháng đã cho xuất chuồng thu lãi 2 đến 3 triệu.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy: So với nuôi bò sinh sản thì nuôi vỗ béo bò thịt lời và nhanh thu lại vốn. Một năm, có thể nuôi được 3 - 4 lứa bò vỗ béo, bằng cách nuôi nhốt trong chuồng. Sau khi mua bò lai về, phải chăm sóc rất cẩn thận: Hàng ngày, bò được cung cấp đầy đủ cỏ, tinh bột và uống nước sạch pha với muối, chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Bên cạnh việc chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại hàng ngày sạch sẽ, chăm sóc chu đáo thì công tác phòng trừ dịch bệnh được theo dõi thường xuyên. Bò sau khi mua về sẽ được cách ly, tiêm phòng dịch bệnh, tẩy giun, sán… và mỗi tuần đều phải tắm cho bò một lần, xịt thuốc khử trùng để phòng, chống các loại dịch bệnh. Mỗi lứa bò chỉ cần vỗ béo từ 3 -4 tháng. Cứ như vậy sau thời gian được vỗ béo, mỗi con xuất chuồng, lời ít nhất từ 3 triệu đồng.
Khác với ông Trợ, ông Trần Đình Thanh - 60 tuổi cũng ở xóm Nhơn Tân gia đình đông con cuộc sống rất vất vả nhưng cũng đã thoát nghèo nhờ nuôi bò vỗ béo bò lai. Cách đây 10 năm ông thấy nhiều người trong thôn nuôi bò thành công có thu nhập cao có của ăn của để. Ngoài số vốn ít ỏi ông vay thêm 5 triệu từ nguồn vốn nông dân mua nghé cái về nuôi. Công việc đồng án vườn tược ông đều giao cho vợ và các con, chỉ lo chăm sóc bò. Đến nay ông đã có 5 bò cái đẻ và 5 bê nghé đời sống gia đình khá hơn. Hiện tại 3 con bê nghé chưa đầy 1 năm tuổi đã có người trả mua với giá 45 triệu rồi, nhưng ông không bán, và chỉ 2 tháng nữa mấy bò mẹ của chúng sẽ đẻ tiếp 5 con nghé nữa. Trong 5 năm qua nhờ có tiền thu nhập từ nuôi bò, gia đình ông có điều kiện xây nhà, mua xe máy và lo cho các con chu đáo.
Còn nói về gia đình chị Nguyễn Thị Hương - ở thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn. Cũng từ hai bàn tay trắng, chồng chị đi làm thợ, công việc đồng án chị lo tất. Năm 2008, chị mạnh dạn vay vốn mua 2 con bò nghé về nuôi đến nay chị đã có 9 con bò cả lớn cả nhỏ. Chị chia sẻ với chúng tôi: Đỡ lắm gia đình tôi nhờ có bò hàng năm bán trên dưới 50 triệu, nếu không có tiền bán bò thì lấy đâu ra tiền cho con ăn học.
Có thể nói, nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo đã trở thành nghề mới chủ lực của người nông dân Phù Cát. Người chăn nuôi đã chú trọng đến chất lượng đàn bò cả về lai tạo giống; đến khâu thức ăn; chăm sóc nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục để cho đàn bò Phù Cát phát triển hiệu quả và bền vững đó là: Đại đa số các hộ chăn nuôi bò vẫn còn manh mún, quảng canh, thức ăn mang tính tận dụng, diện tích cỏ trồng còn rất ít, chưa chủ động được nguồn thức ăn xanh cho bò, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chăn thả; việc tận dụng các sản phẩm phụ nông nghiệp để nâng cao chất lượng thức ăn hầu như chưa được nông hộ áp dụng một cách hiệu quả. Chính vì vậy, áp lực của việc thiếu thức ăn là một cản trở rất lớn trong việc phát triển đàn bò về số lượng và chất lượng.
Mặc khác hiệu quả chăn nuôi còn thấp là do người chăn nuôi bán bò thịt ở độ tuổi còn rất non, chỉ khoảng 7 - 8 tháng tuổi. Điều này đã gây ra một sự lãng phí rất lớn, vì không khai thác được hết tiềm năng của đàn bò, bởi ở giai đoạn này bê đang trong thời kỳ lớn nhanh nhất, chỉ cần nuôi thêm 5 - 7 tháng nữa có thể tăng trọng lên gấp đôi, đem lại lợi nhuận gấp 2 lần, góp phần tăng sản lượng thịt một cách đáng kể. Nguyên nhân của việc bò bị bán thịt khi ở độ tuổi còn non là do: Thiếu thức ăn và chuồng trại cho nên nông hộ phải bán bò non để đầu tư chăm sóc vào bò mẹ. Bên cạnh đó, giống bò thịt được lai tạo lớn khá nhanh, 7-8 tháng tuổi có thể đạt trên 150 kg cho nên đã thu được giá trị cao từ 14-15 triệu đồng, trong khi những bò có trọng lượng lớn khó tiêu thụ hơn.
Trong xu thế mở cửa thị trường như hiện nay, sản phẩm chăn nuôi của các nước tiến tiến có giá thành thấp sẽ có nhiều cơ hội vào cạnh tranh với thị trường trong nước. Để chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò nói riêng phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành thấp, nguồn hàng tập trung đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường. Trước hết cần thay đổi công nghệ và phương thức chăn nuôi bò. Chú trọng từ khâu con giống, phương thức chăn nuôi, thức ăn và thị trường tiêu thụ; tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật nhằm thay đổi tư duy sản suất cho người chăn nuôi; dần chuyển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa tập trung, công nghệ cao.
Để làm được vấn đề này cần khuyến khích người chăn nuôi chọn giữ lại những bò lai để làm đàn cái nền. Tiếp tục đẩy mạnh công tác lai tạo bò thịt bằng các giống chất lượng và năng suất cao,và mở rộng lai tạo với giống bò chuyên thịt một cách phù hợp. Về phương thức chăn nuôi chuyển từ chăn thả sang nuôi nhốt là chủ yếu, kéo dài thời gian nuôi bò thịt lên tối thiểu 12 tháng đến 16 tháng hoặc cao hơn nữa. Về lâu dài, cần có sự hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng những trang trại chuyên nuôi bò thịt tập trung từ 6 tháng tuổi trở lên. Những trang trại này sẽ thu mua bò thịt của những hộ nuôi bò sinh sản khi được trên 6 tháng tuổi về tiến hành nuôi và vỗ béo thêm đến 12-16 tháng mới xuất bán. Thực hiện vấn đề này, nhằm nâng cao được hiệu quả nghề chăn nuôi bò, đồng thời cũng tạo một nghề mới là vỗ béo bò thịt, tạo ra được nguồn hàng có số lượng lớn, tập trung kích thích thị trường tiêu thụ.
Về thức ăn đối với những hộ chăn nuôi bò tập trung, phải xác định chủ động được nguồn thức ăn thô xanh thông qua trồng cỏ, tận dụng và chế biến các sản phẩm phụ nông nghiệp là chủ yếu. Chuyển đổi một phần đất màu, đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ thâm canh để chủ động nguồn thức ăn thô xanh; tận dụng triệt để sản phẩm phụ nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô và sử dụng các biện pháp chế biến để nâng cao chất lượng của thức ăn. Đồng thời phải đưa khẩu phần thức ăn tinh như mì, ngô v.v vào khẩu phần ăn hàng ngày của bò thịt.
Về thị trường cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi và thương lái tiêu thụ sản phẩm, khi chúng ta nuôi vỗ béo bò lên để bán ở trọng lượng 300 - 400 kg/con với số lượng tập trung thì cần thiết phải thiết lập được kênh thu mua không những thị trường trong tỉnh còn phải mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh, các nhà máy chế biến, các đô thị lớn nơi có sức tiêu thụ mạnh.
Để phát triển nghề chăn nuôi bò, thì người chăn nuôi cũng cần đầu tư không nhỏ về con giống, chuồng trại và đất đai để trồng cỏ; ngoài những chính sách hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi hiện có, thì người chăn nuôi cũng cần phải được tiếp cận với những khoản tín dụng ưu đãi về lãi suất, mức vốn cao để đầu tư vào sản xuất.
Thiết nghĩ, quan tâm đầu tư phát triển nghể chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, đạt được các mục tiêu đề ra trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn hiện nay./.