Chính vì vậy, nhiệm kỳ 2018-2023, HND tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD). Trung bình mỗi năm, Hội đã phối hợp các tổ chức tín dụng cho hộ nông dân vay hàng trăm tỷ đồng để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, mỗi năm các cấp Hội cũng đã phối hợp tổ chức 500 - 600 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho trên 370 ngàn lượt nông dân. Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.
Đặc biệt, việc cơ giới hóa nông nghiệp đã được ứng dụng rộng rải trong sản xuất từ trước, trong và sau thu hoạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất nông nghiệp như: tỉ lệ cơ giới hóa làm đất đạt trên 80%, khâu chăm sóc đạt hơn 35%, khâu thu hoạch đạt trên 65%. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa thực hiện ngày càng cao đã góp phần tăng năng xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch xuống còn 6% và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn.
Qua phong trào, đã có nhiều nông dân trở thành các chủ doanh nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, chủ trang trại, gia trại cho thu nhập cao đạt hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như anh Nguyễn Hữu Vinh ở phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn. Cũng giống như nhiều người dân ở địa phương, anh Vinh khởi nghiệp với nghề làm bánh cốm nổ truyền thống. Tuy nhiên, qua quá trình sản xuất, anh Vinh nhận thấy việc làm bánh cốm nổ bằng tay vừa tốn công lao động, mẫu mã không đẹp, hiệu quả kinh tế không cao…
Chính vì vậy, anh Vinh đã tự mày mò và sáng tạo ra hệ thống ép dập khuôn cốm với nhiều ưu điểm như: tiết kiệm sức lao động, bánh cốm làm ra đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp… nên rất được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm bánh cốm của gia đình anh Vinh đã được xuất bán ở khắp các địa phương trong tỉnh, mỗi năm cho thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, vào đầu năm 2019, anh Vinh tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất bánh tráng nước dừa với dây chuyền hoàn toàn tự động, lợi nhuận mang lại không dưới 1 tỷ đồng/năm. Hiện anh đang đầu tư nhà xưởng sản xuất bánh tráng nước dừa tự động với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Vinh còn tạo điều kiện giúp đỡ cho hàng chục hộ nông dân địa phương thoát nghèo và tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động thường xuyên với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Từ những thành tích đó, anh Nguyễn Hữu Vinh là một trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Hay mô hình trồng cây dó bầu của ông Nguyễn Cảnh ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Trên trang trại rộng hơn 20 ha, trước đây gia đình ông Nguyễn Cảnh chỉ trồng các loại cây như điều, keo, mì…, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển dần sang trồng cây dó bầu để sản xuất trầm hương, kinh tế gia đình chuyển biến khá hẳn lên. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay, vườn cây dó bầu của gia đình ông trở thành tài sản lớn.
Ông Cảnh cho biết: Giá trị của dó bầu phụ thuộc vào tuổi đời và lượng trầm trong thân cây. Cây càng già, trầm càng nhiều thì giá càng cao. Giá một cây dó bầu trưởng thành hiện dao động từ 5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Tôi có 8 ha với hơn 1.000 cây dó bầu, phần lớn trong số đó đã tạo trầm hương, đang chờ thu hoạch. Nếu bán hết số dó bầu trên một lúc, tôi sẽ thu về hàng chục tỷ đồng.
Ngoài việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, “phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” còn có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau giảm nghèo, giữ vững an ninh, quốc phòng ở địa phương. Trung bình hàng năm, số vật tư, tiền vốn và cây con giống của những hộ khá giàu giúp đỡ những hộ nghèo, khó khăn là hơn 5 tỷ đồng, tạo cơ hội cho khoảng 3.000 hộ thoát nghèo, chưa kể sự giúp đỡ to lớn bằng truyền nghề, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Ngoài ra, nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã hiến đất và tích cực góp vốn ngày công cho các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, cầu cống, đường giao thông... Nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã trở thành hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh và nhân tố đoàn kết có uy tín trong cộng đồng cư dân. Nhất là đối với lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ vốn tồn tại rất nhiều rủi ro nên việc liên kết, thành lập các tổ đánh bắt là điều hết sức quan trọng.
Nhờ đạt được những hiệu quả tích cực như vậy nên trong thời gian qua, “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” luôn thu hút được đông đảo nông dân trong tỉnh hăng hái hưởng ứng tham gia.
Trong năm 2018, toàn tỉnh đã có hơn 68.000 hộ nông dân SXKD giỏi, đến năm 2023 có 70.040 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Trong đó, có 74 hộ đạt cấp Trung ương, 1.535 hộ đạt cấp tỉnh, 10.259 hộ đạt cấp huyện và 58.172 hộ đạt cấp cơ sở. Giai đoạn 2018 – 2023, có 54.039 hộ có mức thu nhập từ 100 đến dưới 200 triệu đồng/năm, 8.173 hộ ộ có mức thu nhập từ 200 đến dưới 300 triệu đồng/năm, 3.924 hộ có mức thu nhập từ 300 đến dưới 500 triệu đồng/năm, 2.356 hộ có mức thu nhập từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng/năm; 41 hộ có mức thu nhập trên 1 đồng/năm.
Thực tế cho thấy, “Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở tỉnh ta đã có những bước phát triển ổn định, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương