Cán bộ, hội viên nông dân tỉnh phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
Được biết, giai đoạn 2021 - 2023, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp được 154.398,51 triệu đồng, 108.459 ngày công, hiến 609.074,6 m2 đất, làm mới và sửa chữa 2.031,88 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 2.924,46 km kênh mương nội đồng, làm mới, sửa chữa 580 cầu cống các loại; vận động 218.825 hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế; 10.707 hội viên nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bình quân hàng năm có trên 200.000 hộ nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa.
|
Ra mắt mô hình “Vườn xanh” tại HND xã Phước Nghĩa. |
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 663 mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, 10.638 bể chứa rác thải, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng; phối hợp với các ngành liên quan xây dựng được 47.485 hố tự xử lý rác thải tại hộ gia đình, 286 hố rác trong khu dân cư.
Ngoài ra, tỉnh Hội thường xuyên phát động Phong trào ra quân dọn vệ sinh trường, trồng cây xanh, phân loại, thu gom, xử lý chất thải; Phong trào “Đẹp nhà, sạch đường, xanh đồng ruộng”, “Xây dựng chi Hội Xanh - Sạch - Đẹp”, “Thu gom chai, vỏ thuốc bảo vệ thực vật làm sạch môi trường đồng ruộng”, “Hố rác gia đình, hố rác cộng đồng”, “Tuyến đường nông dân tự quản”....Phát động Chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa; vận động không dùng rác thải nhựa, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường....Kết quả, tổ chức 372 buổi ra quân dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường nông dân tự quản, các địa điểm công cộng; trồng hơn 4.000 cây xanh trên các tuyến đường, trong khuôn viên, nhà văn hóa thôn...
Phối hợp tổ chức 16 lớp tập huấn, truyền thông về bảo vệ môi trường cho 1.600 cán bộ, hội viên, nông dân; 16 lớp tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới nâng cao cho 660 hội viên, nông dân; truyền thông lưu động tại 8 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao; 10 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về xử lý chất thải chăn nuôi, về an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu dùng cho hơn 630 cán bộ, hội viên nông dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi theo hướng tích cực đối với môi trường nông thôn.
Trong 2 năm (2022 - 2023), Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 7 mô hình bảo vệ môi trường tại các xã về đích xây dựng nông thôn mới.
Mô hình “Vườn xanh” tại xã Tây Xuân (Tây Sơn), xã Phước Hưng (Tuy Phước) với 100 hộ nông dân tham gia/mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ: 1 thùng chứa rác thải phân loại 2 ngăn (Chất liệu nhựa - 40 lít); 2 gói chế phẩm sinh học AT-BiO, dạng bột (200g/gói) để xử lý rác thải hữu cơ.
Mô hình “Nông dân với xử lý mùi hôi do chất thải chăn nuôi gây ra bằng công nghệ sinh học tại hộ gia đình” tại Xã Mỹ Tài (Phù Mỹ), xã Cát Hanh (Phù Cát) với 60 hộ nông dân/ mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ: 10 gói chế phẩm sinh học AT-BiO dạng bột (200g/gói); 10 chai chế phẩm sinh học AT-BiO dạng nước (1 lít/chai); 01 bình bơm nhựa 18 lít; 01 tấm bạt che phủ (kích thước: 4m x 5m = 20 m2).
Mô hình “Bóng mát đường quê” tại xã Ân Đức và Ân Tường Đông (Hoài Ân) với quy mô 01 km đường trồng 1.000 cây cau; tại phường Hoài Xuân, Hoài Phú (Hoài Nhơn) vơi quy mô 02 km đường trồng 2.000 cây cau. Việc trồng cau hai bên đường đem đến cho không gian sự trong lành, xanh mát. Tượng trưng cho một hình ảnh thôn quê mộc mạc và gần gũi; vừa tạo bóng mát đường quê vừa có giá trị kinh tế. Góp phần trồng mới 01 tỷ cây xanh đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Mô hình “Vườn nông dân kiểu mẫu” tại xã Phước Nghĩa (Tuy Phước), làm cơ sở để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân nâng cấp chỉnh trang vườn hộ gia đình thành vườn sạch đẹp, gọn gàng, hiệu quả, tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, hài hoà, giữ gìn và phát huy vẻ đẹp yên bình của làng quê.
Đặc biệt trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh xây dựng Công trình “Tuyến đường Nông dân tự quản Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” tại xã Hoài Châu (Hoài Nhơn) với quy mô 1.000 mét, gắn bảng tên, điện chiếu sáng và trồng cây xanh hai bên đường chào mừng Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình nông dân tự quản tham gia BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương. Chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình thu gom, xử lý rác thải trong sinh hoạt nông thôn; mô hình “Thu gom xử lý rác thải nhựa và túi nilon sử dụng một lần; mô hình “Thu gom và xử lý rác hữu cơ”, mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với BVMT...Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về BVMT; kỹ năng phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho cán bộ, hội viên nông dân. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở các cấp Hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác BVMT”.
Với những kết quả đạt được, mới đây, Hội Nông dân tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2023.