Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, HND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai trong toàn hệ thống HND trong tỉnh trên quan điểm đồng hành giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao nhận thức, hành động thoát nghèo; hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn những điều kiện căn bản như: Nhà ở, việc làm, sinh kế. HND tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về phối hợp phân công nhận giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2024. Hàng năm, HND tỉnh đều giao chỉ tiêu thi đua nhận hỗ trợ giúp đỡ hội viên nông dân nghèo cho các huyện, thị, thành Hội, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của phong trào, HND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch thực hiện và được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong 3 năm (2021 - 2023), các cấp HND trong tỉnh đã tổ chức trên 3.500 buổi tuyên truyền về phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phí sau”; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, của tỉnh cho cán bộ, hội viên nông dân. Riêng trong năm 2023, HND tỉnh tổ chức 2 Hội thi “Nông dân Bình Định với công tác giảm nghèo bền vững” tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh và An Lão, thu hút trên 300 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia; tổ chức 15 lớp tập huấn cho 1.800 hội viên nông dân về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định năm 2023.
Bên cạnh đó, trong 3 năm (2021 – 2023), các cấp HND trong tỉnh đã vận động các hộ nông dân SXKD giỏi hỗ trợ, giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật, ngày công lao động, kinh nghiệm làm ăn cho trên 20.000 lượt hộ nghèo; cho mượn vốn không tính lãi với số tiền trên 8,5 tỷ đồng; hỗ trợ trên 700.000 nghìn cây, con giống các loại cho gần 5.000 hộ nông dân nghèo để phát triển sản xuất. Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh xây dựng 1 mô hình “Hỗ trợ hộ nông dân nghèo, cận nghèo nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học” tại xã Phước Nghĩa (Tuy Phước), qua đó đã hỗ trợ 1.000 con giống cho 10 hộ nghèo và hộ cận nghèo. Năm 2023, hỗ trợ xây dựng 1 mô hình khởi sự kinh doanh cho hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 1 mô hình chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vùng đồng bào dân tộc và thiểu số.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp cho hộ hội viên nông dân nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và các chính sách khác với dư nợ 1.769 tỷ đồng/724 tổ/29.744 hộ vay. Thông qua nguồn vốn giúp hộ nông dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2021 - 2023, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các cơ quan, đơn vị xây dựng và sửa chữa 90 Nhà Đại đoàn kết cho hộ hội viên nông dân nghèo, khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 670,500 triệu đồng (trong đó, xây dựng mới 78 nhà, sửa chữa 12 nhà).
Bên cạnh việc hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vốn, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt công tác dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; giúp hội viên nông dân nhanh chóng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo vệ môi trường. Trong 3 năm (2021 - 2023), các cấp HND trong tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 3.861 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho 225.000 lượt người.
Thời gian tới, HND tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp Hội, cán bộ, hội viên trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “Tương thân, tương ái của dân tộc ta đối với người nghèo”. Động viên, hướng dẫn hội viên nông dân nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận động, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”, bảo đảm việc hỗ trợ cho người nghèo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng.