Phước Nghĩa thực hiện hiệu quả mô hình “Vườn xanh – Nông dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ”
|
Bà Nguyễn Thị Nở (bên phải ảnh) kiểm tra các loại rác được ủ trong thùng. Sau khi được tưới men vi sinh đủ liều lượng, các loại rác này được phân hủy không còn mùi hôi.
|
Hàng năm lượng rác thải từ các phụ phẩm nông nghiệp khá lớn, phần lớn các hộ gia đình có thói quen bỏ chung tất các loại rác thải sinh hoạt vào một bao lưu chứa trước khi được thu gom, xử lý mà không phân loại. Việc làm này không chỉ tạo gánh nặng cho công tác thu gom xử lý rác thải mà còn gây lãng phí nguồn phân bón hữu cơ tạo ra từ các nguồn rác hữu cơ.
Nhận thức được ý nghĩa của việc phân loại, xử lý rác thải tại gia đình, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng, tháng 11 năm 2023, Hội Nông dân xã Phước Nghĩa triển khai thực hiện mô hình “Vườn xanh – Nông dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ” tại địa bàn xã.
Mô hình có 50 hộ nông dân của 3 thôn Thọ Nghĩa, Hưng Nghĩa và Huỳnh Mai tham gia. Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng hỗ trợ 60% kinh phí mua thùng chứa rác, hộ dân đóng góp đối ứng 200 ngàn đồng/ thùng. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường và hướng dẫn phân loại rác thải tại hộ gia đình, được hỗ trợ chế phẩm vi sinh ủ rác, hướng dẫn quy trình kỹ thuật ủ rác.
Vào khu vườn của gia đình bà Ngô Thị Minh ở thôn Hưng Nghĩa, vườn lá dứa thơm của bà cây nào cũng xanh mướt. Gia đình bà đang sử dụng phân hữu cơ đã ủ vi sinh để bón các diện tích trồng lá dứa thơm, bà Minh cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thải ra môi trường từ 6 - 8kg rác thải, trong đó, có đến 70% là rác thải hữu cơ chủ yếu là phần lá, thân cây dứa loại bỏ sau mỗi ngày thu hoạch. Ngoài ra, các loại rau củ quả đã bị hư thối, cơm canh, thức ăn còn thừa hoặc bị ôi thiu, các loại bã trà, cà phê, lá cây được cắt tỉa, rơm rạ sau khi thu hoạch… tôi bỏ vào thùng ủ rác, cứ rác dầy lên 20 cm, tôi lại rắc chế phẩm men vi sinh rồi đảo đều, đậy lắp cận thận. Đủ thời gian ủ từ 30 – 35 ngày, rác phân hủy thành phân hữu cơ. Tôi để dồn lại bón cho hơn một sào đất trồng cây lá dứa thơm. Loại phân này an toàn giúp tạo độ xanh cho cây rất tốt, giúp cây hạn chế một số loại dịch bệnh. Nguồn phân này góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí mua phân bón hóa học. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất đó là góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu chi phí cho nhà nước trong việc xử lý rác thải.
Tương tự bà Bùi Thị Nở chia sẻ: Trước đây mọi rác thải sinh hoạt của gia đình, tôi đều đổ vào thùng nhựa, bao tải để công nhân môi trường thu gom. Thế nhưng, sau khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, tôi hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải. Đối với các loại rác thải có thể tái chế tôi để riêng; còn rác hữu cơ được đem đi xử lý ngay. Từ khi thực hiện phân loại, xử lý rác thải, gia đình giảm được lượng rác thải phải đem đi tiêu hủy đến 60%; hạn chế được mùi hôi thối phát sinh từ rác thải hữu cơ và có thêm nguồn phân bón an toàn cho diện tích rau dành phục vụ gia đình, giúp tiết kiệm được tiền mua phân bón.
Để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, Hội Nông dân xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện phân loại rác thải, hướng dẫn cách pha chế chế phẩm sinh học và ủ rác thải hữu cơ để tạo ra phân bón chất lượng cho các loại cây trồng; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, rút kinh nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Nghĩa cho biết: Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện, lượng chất thải sinh hoạt thải ra môi trường được giảm rõ rệt; 100% hộ tham gia mô hình thực hiện tốt việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. 100% hộ tham gia mô hình có thể sử dụng sản phẩm phân hữu cơ trong việc trồng trọt. Các hộ tham gia mô hình đã biết cách tận dụng chất thải hữu cơ sau ủ để bón cho cây trồng nhằm mục đích giảm thiểu chi phí mua phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp đồng thời cải tạo, tăng độ màu mỡ cho đất. Người dân từng bước thay đổi nhận thức, biết phân biệt và có trách nhiệm thực sự trong việc thu gom, phân loại xử lý rác thải. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, sơ kết đánh giá hiệu quả việc thực hiện mô hình để nhân rộng ra các thôn xã nhằm từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên và người dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần tích cực vào thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở địa phương.
Mô hình đưa vào thí điểm đã góp phần khắc phục tình trạng rác thải sinh hoạt chưa được phân loại, xử lý triệt để. Trong khi lượng rác hữu cơ chiếm khoảng 60% tổng khối lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày là nguồn nguyên liệu để làm phân bón hữu cơ rất hữu ích, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, mô hình đã mang lại lợi ích cho người dân và chính quyền địa phương. Người dân có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn sức khỏe; địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường.