Tuy Phước phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.
|
Ông Trần Văn Ý thả lưới thu hoạch thủy sản trong ao nuôi theo mô hình nuôi quảng canh cải tiến thân thiện với môi trường.
|
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, toàn huyện có 940 ha diện tích mặt nước phục vụ NTTS, tập trung tại các xã: Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận. Trong đó nuôi bán thâm canh 90 ha, còn lại 850 ha nuôi theo phương thức an toàn sinh học. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 1.830 tấn. Những năm gần đây hoạt động nuôi trồng thủy sản đã khẳng định vai trò, giá trị trong phát triển ngành kinh tế thủy sản, trong đó đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình NTTS thân thiện với môi trường, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững của ngành.
Có thể thấy, nếu như trước đây các mô hình NTTS trên địa bàn chủ yếu là nuôi quảng canh, tận dụng các vùng ngập nước tự nhiên; nguồn giống, thức ăn tự nhiên, thì nay đã chuyển sang nuôi quãng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh, không nuôi tập trung một đối tượng mà nuôi xen ghép, tổng hợp đa đối tượng để hạn chế rủi ro về kinh tế, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn cho người tiêu dùng.
Xã Phước Hòa hiện có 348 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó 333 ha nuôi quảng canh cải tiến và 15 ha nuôi bán thâm canh. Những năm gần đây do thời tiết thiếu ổn định làm giảm độ mặn đột ngột, dễ gây sốc nước đối với tôm nuôi. Ngoài ra nguồn nước ô nhiễm gây dịch bệnh trên tôm, tỷ lệ nuôi thành công thấp, rủi ro lớn, tạo sự bấp bênh thiếu ổn định cho người nuôi. Để giúp người dân ven đầm khai thác tốt lợi thế nuôi trồng thủy sản, các ngành chức năng của tỉnh và huyện đã triển khai nhiều mô hình nuôi trồng hiệu quả, mang tính ổn định, phát triển bền vững nhờ đó đã thay đổi được tư duy canh tác của người dân. Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường cũng là mục tiêu địa phương hướng tới. Ông Nguyễn Tấn Hùng- Chủ tịch UBND xã Phước Hòa nhấn mạnh. Để giúp người dân nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, các cấp lãnh đạo huyện Tuy Phước luôn quan tâm chỉ đạo mở các lớp tập huấn, tổ chức hội thảo, xây dựng lớp học hiện trường kết hợp với trao đổi, tư vấn trực tiếp,…cho người dân. Từ đó, nhiều mô hình hay, cách làm giỏi được lan toả và nhân rộng trong dân. Những phương pháp sản xuất truyền thống, kém hiệu quả đã được chuyển đổi và thay thế bằng phương pháp sản xuất mới, có sự chuyển giao của công nghệ, kỹ thuật hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng thuỷ sản; đồng thời, tạo điều kiện chuyển đổi tư duy trong sản xuất, nuôi trồng của người nông dân vùng ven biển. Riêng trong năm 2023, huyện Tuy Phước đã triển khai 3 mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững. Trong đó có 2 mô hình nuôi tôm-cua-cá dưới tán cây rừng triển khai tại xã Phước Thuận và Phước Hòa diện tích 2 ha và 1 mô hình 3 ha nuôi tôm- cua-cá thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Phước Sơn, đã mang lại thu nhập khá từ 70 đến 90 triệu đồng/ha/vụ/1 mô hình. Không chỉ lợi ích về mặt kinh tế mà các hình thức nuôi trên giúp ổn định môi trường, phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt thại do dịch bệnh gây ra.
Ông Trần Văn Ý xã Phước Thuận cho biết: So với trước kia, hiện nay bà con ngư dân không còn độc canh nuôi chuyên tôm, hầu hết đều chuyển sang hình thức nuôi xen ghép tôm, cua, cá.. nhờ đó giảm được rủi ro trong quá trình nuôi, lợi nhuận ổn định hơn. Đồng thời thông qua các mô hình, giúp nâng cao nhận thức cho người nuôi về môi trường sinh thái, các hộ dân đều chủ động trồng lại các loại cây ngập mặn ven bờ, trong vùng nuôi để bảo vệ môi trường, giúp cân bằng hệ sinh thái, tạo môi trường thuận lợi cho các loài thủy sản cư ngụ, phát triển.
Ông Phạm Quang Ân, Phó Phòng NN và PTNT huyện cho biết: “Để phát triển kinh nghề nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện sẽ phối hợp với Trung tâm DVNN huyện và các đơn vị có liên quan, tăng cường tổ chức mở các lớp tập huấn, hội thảo, tạo điều kiện cho người dân tiếp thu khoa học kỹ thuật. Đặc biệt triển khai các mô hình lớn ứng dụng công nghệ cao. Năm 2024, huyện tiếp tục triển khai 2 mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ cao Semi Biofloc. Đồng thời đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích chuyên nuôi trồng thủy sản, trên cơ sở bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm nguồn nước, tạo nguồn thực phẩm tươi sống, phục vụ nhu cầu nhân dân và phát triển du lịch. Đối với những vùng dưới đê, chúng tôi vận động bà con nhân dân nuôi theo hình thức quãng canh cải tiến, áp dụng công nghệ an toàn sinh học gắn với việc phát triển du lịch sinh thái trên đầm Thị Nại.