Theo kết quả phân tích mẫu nước và mẫu tôm chết của Chi cục thủy sản, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Bình Định ( Sở NN&PTNT tỉnh) cho thấy các chỉ tiêu phân tích: pH, độ mặn, độ kiềm, COD ( nhu cầu oxy hóa học), NH3, NO3, NO2, PO4 nằm trong ngưỡng thích hợp, riêng hàm lượng COD tại vị trí lồng nuôi ban đầu vượt ngưỡng cho phép, còn tại vị trí nuôi mới các chỉ tiêu đều phù hợp. Các chỉ tiêu xét nghiệm: Ký sinh trùng, mật độ Vibrio trên mẫu tôm chết cũng không phát hiện ký sinh trùng trên tôm nuôi.
Từ kết quả phân tích đánh giá về hiện tượng tôm chết hàng loạt ở địa phương, ngành chức năng cũng khuyến cáo ngư dân nuôi tôm phải chú ý vệ sinh lồng bè thường xuyên (7 – 10 ngày/ lần) để tăng lưu lượng dòng chảy. Di dời lồng bè nuôi tôm đến vùng nước sạch hơn, mật độ thả nuôi từ 10 – 15 con/ m2, sử dụng thức ăn còn tươi, giảm bớt lượng thức ăn hàng ngày. Bổ sung thường xuyên Vitamin C từ 5 – 10kg thức ăn, acid amin, khoáng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm, định kỳ treo các túi vôi quanh lồng.
Trước đó, trong thời gian khoảng từ ngày 12 – 19.5, các hộ nuôi tôm hùm giống ở xã Nhơn Hải đã bị thiệt hại nặng vì tôm hùm giống đã nuôi từ 3 -5 tháng đột ngột chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, đến 10 giờ ngày 19.5, tôm hùm giống nuôi ở các lồng bè của7 hộ nuôi tôm hùm giống tại thôn Hải Nam xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt. Số lượng tôm chết đã lên tới hơn 5.000 con. Trong đó, tôm sao trên 1.500 con; tôm xanh hơn 3.600 con. Riêng hộ ông Hà Văn Lanh, trú thôn Hải Nam chịu tổn thất nặng nề nhất với trên 4.100 con tôm hùm giống đã chết (tôm sao hơn 1.000 con; tôm xanh trên 3000 con).
Ngay sau khi nhận được phản ánh của ngư dân nuôi tôm hùm, UBND xã Nhơn Hải đã báo cáo ngành chức năng về địa phương để về địa phương kiểm tra môi trường, con giống; đồng thời, lấy mẫu tôm chết và mẫu nước về xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân dẫn tới tôm chết.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “ Sau khi xảy ra hiện tượng tôm hùm giống đột ngột chế hàng loạt, UBND xã đã vận động bà con ngư dân nuôi tôm khẩn trương di chuyển lồng bè đến vị trí mới để hạn chế thiệt hại, đồng thời triển khai các biện pháp báo cáo ngành chức năng về hỗ trợ. Đến nay, sau khi di chuyển tới địa điểm nuôi mới không còn hiện tượng tôm hùm chết xảy ra. Hiện địa phương vẫn tiếp tục vận động ngư dân nuôi tôm tiếp tục theo dõi và báo cáo cho xã khi có hiện tượng tôm chết.”