Vĩnh Thuận là một xã vùng cao nằm phía Nam của huyện Vĩnh Thạnh có diện tích tự nhiên 2937,68 ha. Phía Đông giáp xã Vĩnh Quang, phía Nam giáp xã Tú An, An Khê - Gia Lai, phía Tây giáp xã Vĩnh Hảo, phía Bắc giáp thị trấn Vĩnh Thạnh, dân số có 1.729 nhân khẩu, có 9 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Bana chiếm 98% mật độ dân cư phân bổ không đồng đều, tập trung sinh sống dọc theo hai dọc đường chính của xã. Nhân dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp chiếm 90%, xã có nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 70% trên tổng dân số toàn xã, hộ nghèo năm 2023 có 205 hộ chiếm tỷ lệ 45,96%.
Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ là nhiệm vụ trọng tâm của Hội; việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là một trong những tiêu chí đặt ra cho xây dựng nông thôn mới; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Đóng góp một phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Từ đó, đã triển khai mô hình trồng cây Bí đỏ cho gia đình anh Đinh Văn Nhớt – làng 3, mang đến tín hiệu vui về việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng các loại hoa màu kém hiệu quả. Đây là một trong những mô hình thí điểm nằm trong Chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại của địa phương.
|
Anh Đinh Văn Nhớt thu hoạch bí đỏ |
Gia đình anh Đinh Văn Nhớt được địa phương chọn xây dựng mô hình thí điểm trồng bí đỏ trên diện tích 1,5ha đất trồng các loại đậu đỗ kém hiệu quả. Với diện tích đó, anh đầu tư kinh phí thực hiện 150 triệu đồng ( 2 vụ/năm); trong đó, vốn gia đình tự có 70 triệu đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 80 triệu đồng để đầu tư mô hình trồng cây “ Bí đỏ”.
Nhờ đặc tính dễ trồng, chịu được hạn, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công lao động. Chi phí đầu tư cho Bí đỏ từ giống, phân bón đều không nhiều. Chủ yếu là bón phân chuồng đã được ủ sẵn, cộng thêm 2 đợt bón phân NPK-S là cây lớn rất nhanh. Đây là giống cây bò trên mặt đất nên không phải tốn kém đầu tư làm giàn như dưa chuột hay bầu, mướp. Anh Nhớt cho biết: Cây Bí đỏ sẽ tiến hành gieo hạt từ tháng 10, tháng 11 hàng năm. Vụ gieo tháng 10, tháng 11 sẽ ra quả vào tháng 12, tháng 1. Vụ gieo tháng 12, tháng 1 sẽ ra quả vào tháng 2, tháng, tháng 3; (01 năm triển khai trồng 02 vụ).
Anh Nhớt chia sẻ: “Đối với tôi, trồng bí đỏ không khó, cái quan trọng là mình phải chịu khó thì mô hình này mới đem lại kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, tôi còn quan tâm đến khâu chọn giống và học hỏi thêm trên internet những tiến bộ khoa học, kỹ thuật… Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên Bí đỏ phát triển tốt. Sau 01 năm, diện tích Bí đỏ của gia đình đã cho thu hoạch khoảng 60 tấn/2 vụ (giá tại thời điểm 5.000 đồng/kg) = 300.000.000 đồng ( trừ mọi chi phí đầu tư gia đình thu lãi gần 140.000.000 đồng). Mô hình được đánh giá là hiệu quả, năng suất đạt cao, tiêu thụ thuận lợi, người dân trong làng rất phấn khởi.
Ông Đinh Văn Sao - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Thuận cho biết, mặc dù bí Đỏ là loại cây mới chuyển đổi còn manh mún, nhỏ lẻ thiếu tính liên kết, thiếu tập trung, quy mô chưa lớn và chưa có tính phổ biến trong Nhân dân nên bà con còn ngại chuyển đổi. Tuy nhiên, sau khi nhìn nhận vào thực tế, so sánh về năng suất, sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế với các cây trồng cạn khác của địa phương, Bí đỏ đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiệu quả từ Mô hình trồng Bí đỏ là một hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác kém hiệu quả tại Làng 3 nói riêng và toàn xã Vĩnh Thuận nói chung. Để tăng nguồn thu nhập trong gia đình, địa phương khuyến khích các hộ nông dân học tập và nhân rộng mô hình này để có nhiều hiệu quả hơn nữa trong công tác chuyển đổi cây trồng. Qua đó, người dân sẽ chọn lựa được cây trồng phù hợp thay thế cho các loại cây có giá trị thấp, sản xuất kém hiệu quả. Đây sẽ là động lực giúp nông dân đẩy mạnh thâm canh cây trồng, phát triển kinh tế tại địa phương.
Để nhân rộng mô hình trồng Bí đỏ, thời gian tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận sẽ mở rộng diện tích sản xuất lên khoảng 15ha/10 hộ tham gia đầu tư gieo trồng. Việc đưa cây Bí đỏ vào trồng tại địa phương đã giải quyết bài toán lao động ở nông thôn, hạn chế tình trạng bỏ đất trống, từ đó có thể hình thành vùng sản xuất Bí đỏ tập trung tại địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác.