|
Ngư dân Cát Khánh được mùa biển. |
Trong những năm qua, Cát Khánh đã tập trung khai thác mọi tiềm năng sẵn có về đất đai, ao đìa và Cửa biển Đề gi. Xã đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng trên đơn vị diện tích. Bằng cách chuyển dịch cơ cấu cây trồng- mùa vụ, xây dựng hệ thống thuỷ lợi và khép kín điện lưới quốc gia. Đưa lực lượng cơ giới vào đồng ruộng, giải phóng sức lao động của con người. Ngoài lương thực, Cát Khánh có thêm hàng trăm héc ta cây trồng cạn như: đậu phụng, khoai lang, bắp lai v.v..., góp phần cho chế biến tại chỗ phục vụ chăn nuôi, giúp kinh tế hộ ngày càng phát triển.
Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, Cát Khánh còn chú trọng phát triển kinh tế biển. Trong đánh bắt và khai thác hải sản, ngư dân đầu tư hàng chục tỷ đồng cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư luới cụ và trang bị các phương tiện hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, hệ thống thông tin liên lạc, phục vụ cho nhu cầu đánh bắt dài ngày trên biển. Trong những năm qua, nhờ có chính sách của nhà nước khuyến khích ngư dân phát triển kinh tế biển như: hỗ trợ tiền xăng dầu, vay vốn ưu đãi theo NĐ67CP (đã đóng mới 03/13 tàu bằng vỏ thép đã được UBND tỉnh phê duyệt); ngư dân trong xã còn sửa chữa, cải hoán tàu thuyền, nâng tổng số tàu thuyền lên 412 chiếc, với công suất 46.175 CV, tăng 03 chiếc so với năm 2015; trong đó có 56% số tàu thuyền có công suất lớn từ 60 CV trở lên tập trung khai thác hải sản ở các ngư trường ngoài tỉnh; góp phần đưa sản lượng khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản năm 2015 của xã lên 12.020 tấn, tăng 19% so với năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2016 toàn xã khai thác được 4.850 tấn hải sản các loại; trong đó có 25% cá, mực xuất khẩu. Ngoài ra, xã còn khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ sản, với mô hình đa dạng hoá con vật nuôi; chủ yếu là nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá chua, cá mú. Hằng chục héc ta mặt nước lợ ao đìa nuôi Tôm- cá, mỗi năm thu hơn hơn 100 tấn Tôm, 48,5 tấn cá, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng. xã Cát khánh cũng đã thành lập được 33 tổ, đội tàu thuyền đoàn kết trên biển với 139 phương tiện và 1.560 lao động. Các tổ đội này ở cùng một địa bàn, nên sự đoàn kết nội bộ rất tốt. Vì vậy khi đi đánh bắt trên biển hay lúc vào đất liền, mỗi khi thành viên trong tổ gặp khó khăn, hoạn nạn họ đều tương trợ, giúp đỡ nhau và chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hướng đi này, không chỉ có ý nghĩa khai thác tiềm năng kinh tế biển mà còn tác động tích cực xuất khẩu hàng hoá. Cát Khánh có đầm đề Gi, là một tiềm năng lớn của kinh tế biển, Xã đã quy hoạch (khu Đồng Sát) vùng nhiễm mặn, sản xuất lúa bấp bênh sang nuôi trồng thuỷ sản và quy hoạch khu ven biển đầm Đề Gi, từ thôn An Quang Đông đến thôn Chánh Lợi, để nuôi tôm cá. Hy vọng rằng, trong những năm tới vùng này sẽ trở thành những đìa nuôi tôm cá theo phương thức thâm canh mới, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ đó, mà tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng khá đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Điển hình như: năm 2010 mức tăng trưởng kinh tế đạt 11%, bình quân thu nhập đầu người gần 17,2 triệu đồng; Năm 2015, đạt con số tương ứng về kinh tế là 14,3% (trong đó kinh tế biển chiếm 2/3), và thu nhập đầu người trên 28,5 triệu đồng, hộ nghèo giảm xuống còn 12% theo tiêu chí mới.
Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm toàn xã đã huy động gần 25,3 tỷ đồng, để xây dựng nông thôn mới, chủ yếu là mở rộng và xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 6,8 tỷ đồng, ngân sách xã gần13tỷ đồng, người dân đóng góp 3,8 tỷ đồng,tỉnh hỗ trợ 400 triệu đồng, còn lại là các nguồn vốn khác….Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện hiến đất, cây cối, vật kiến trúc và đóng góp tiền lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm; tạo thuận lợi cho việc đi lại vào ban đêm. Đến nay, xã Cát Khánh, đã hoàn thành 14/19 tiêu chí. Mục tiêu của xã là từ nay đến cuối năm 2018 phấn đấu hoàn thành 05 tiêu chí còn lại là: Thủy lợi, văn hoá, chợ, cơ sở vật chất văn hóa và hộ nghèo.
Ông Huỳnh Văn Huấn, một người dân ở thôn An quang Đông, xã Cát Khánh vui mừng khi tuyến đường bê tông xi măng mới hoàn thành: “Gia đình tôi rất đồng tình với việc hiến đất làm đường. Tôi đã vận động bà con dòng họ và lối xóm, góp một người một ít để mà làm con đường cho con cháu và bà con đi lại cho thoải mái. Giờ đây con đường đã hoàn thành việc đi lại thuận tiện hơn, tôi rất là mừng”.
Chính vì thế, Cát Khánh có thêm điều kiện để phát triển kinh tế hạ tầng như: đường bê tông giao thông nông thôn, nâng cấp sửa chữa các công trình thuỷ lợi: Hồ chứa nước Hóc Xeo, Hồ Đá Bàn, Hồ Nhà Thờ, Trường học, Trạm y tế xã v.. v...Tất cả những công trình phúc lợi đó, tạo nên sự khang trang đổi mới, diện mạo nông thôn được đổi thay, làm cho nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ông Nguyễn Văn Thông- Bí thư Đảng uỷ xã Cát Khánh cho biết những giải pháp của xã, trong việc phát triển kinh tế trong thời gian tới như sau: “ Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hơn nữa theo hướng CNH- HĐH nông nghiệp- nông thôn và theo hướng sản xuất hàng hoá; để tăng thu nhập cho nhân dân. Đặc biệt, là phát triển mạnh kinh tế biển; trong khai thác chú trọng nâng cao công suất tàu thuyền bám biển đánh bắt dài ngày, trong nuôi trồng thuỷ sản thì đa dạng hoá vật nuôi. Qua thực tế chúng tôi đã làm được điều đó, cố gắng thay đổi bộ mặt nông thôn miền biển theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở phải khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh ở địa phương; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thâm canh, chuyên canh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội và nâng cao đời sống nhân dân”./.