|
Bà Trần Thị Trâm (66 tuổi) cùng con cháu tách hạt từ gương sen. |
Dừng chân cạnh bàu sen sông Đình ở xóm Thanh Minh thôn Phụng Du 1, từ trên cao đưa mắt nhìn xuống, bàu sen như một dải lụa hoa đằm thắm, mướt mát trải dài từ sông Đình nối liền với bàu sen cây Gáo đến vùng sen bàu bà Nhương dài hơn 1 km, vào mùa này bên dưới dải lụa hoa đẹp đẽ ấy, rất nhiều người đang cặm cụi hái gương sen. Mùa sen thơm đang nối dài những niềm vui nho nhỏ cho người dân nơi đây.
Lặn lội với bùn
Cái nắng đầu hè như đổ lửa nhưng ông Nguyễn Văn Diêu (72 tuổi) vẫn cần mẫn len lỏi giữa ruộng sen để thu hoạch gương sen. Ông bắt đầu công việc từ lúc 7 giờ sáng bởi nếu thu hoạch sớm quá, việc làm động cánh hoa đang còn ướt sương sẽ ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng hạt.
Tuổi già rồi sao bác không tranh thủ nghỉ sớm về ăn cơm trưa, đợi nắng dịu bớt hãy làm tiếp, ông cười hiền bảo: “Cả đồng sen mênh mông này nhưng chỉ có mỗi mình tôi lo việc thu hoạch, còn bà nhà phải lo việc tách hạt. Nếu không tranh thủ làm thì không kịp có hột để chiều giao cho bạn hàng. Hơn nữa, phải cố gắng thu hoạch nhanh để cạnh tranh với… chuột. Chuột mùa này phá dữ lắm”!
Còn phía bên kia sông Đình, lúc ẩn, lúc hiện giữa bàu sen ken dày hoa và lá, trên lưng anh Sang gùi một chiếc giỏ tre, đôi tay liên tục vươn về phía trước chọn hái những gương sen đã chín đưa vào giỏ và cứ thế đến tận 11 giờ trưa, khi trời đã nắng gắt anh mới thu dọn sản phẩm về nhà. Từ tháng Tư đến nay, anh Sang (40 tuổi) - một trong số 20 hộ trồng sen ở đây - phải tạm gác công việc thường ngày để tập trung hái gương sen.
Gia đình anh Sang ở trên xóm Thanh Minh, cách bàu sen gần 1 cây số. Để có mặt ở ruộng sen lúc 6 giờ sáng, hai anh chị phải thức dậy từ 5 giờ, chuẩn bị dụng cụ xong là đi. Theo anh, trồng sen nếu chăm sóc tốt thì chỉ độ ba bốn tháng là bắt đầu thu hoạch gương. Đầu tư trồng một 1 ha sen khoảng 10 triệu đồng, nhưng có thể thu lời tới 50 triệu đồng/ha/vụ. Trong đó, hơn một nửa là tiền lời được tính chung công hái do mình bỏ ra. “Sen rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, sử dụng phân bón tương đối ít và thời gian thu hoạch kéo dài đến hơn 3 tháng nên bà con liên tục có nguồn thu nhập. Đất càng nhiều bùn thì sẽ cho gương sen lớn, sản lượng hạt cũng tăng cao”.
Anh Nguyễn Văn Tích (45 tuổi), một trong những hộ đầu tiên ở địa phương phát triển nghề trồng sen, cho biết: “Năm 2006 khi thấy cánh đồng trũng trong thôn có tục danh mả bà Nhương bỏ hoang do bị nhiễm phèn, tôi thuê lại theo đó, vào miền Nam mua sen giống về trồng. Không ngờ sau khi xuống giống, cây sen chịu đất, chịu nước xứ mình nên phát triển khá tốt, nên tôi tiếp tục thuê thêm để mở rộng diện tích trồng sen. Đến nay, gia đình tôi có hơn 2 ha sen trồng cho năng suất ổn định hàng năm”
Sen không phụ người
Với hệ thống bàu phong phú như bàu sông Đình, cây Gáo, bà Nhương..., gần 10 năm nay, vùng đất Phụng Du 1 nổi tiếng với nghề trồng sen. Và nghề này cũng đã nuôi sống nhiều hộ gia đình. Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo, tận dụng các diện tích ruộng và ao, bàu trũng hoặc đã bị nhiễm phèn, bà con trồng sen. Ngoài giống sen sẵn có ở địa phương, gần đây, nhiều hộ còn đưa giống sen cao sản cho năng suất cao từ miền Nam về trồng. Nhờ đó, thu nhập của bà con cũng khá hẳn lên. Cũng theo anh Sang với 1 ha sen vào vụ, ba ngày thu hoạch một lần chừng 20-30 kg hạt. Với mức giá dao động từ 35.000- 40.000 đồng/kg hạt sen chưa bóc vỏ, thông tim, gia đình anh thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng/lần. Nói thật, từ khi chuyển sang trồng sen, cuộc sống của gia đình đã khá hơn nhiều so với trước.
Không chỉ người trồng sen, nhiều hộ dân sống ở vùng sen này có thêm thu nhập từ việc bóc, tách hạt sen. Bà Trần Thị Trâm (66 tuổi) chia sẻ: “Tiền công tách hạt từ gương ra mỗi ký là 2.000 đồng. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi cũng có thu nhập trên dưới 200 ngàn đồng. Nếu nhận làm lột vỏ, bóc lụa và thông tim sen thì có thể kiếm thêm 15.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Diêu (77 tuổi, ở thôn Phụng Du 1) - hộ có diện tích trồng sen khá lớn - cho hay: “Gia đình tôi có 3 ha sen. Bình quân 500 m2 sen cho thu hoạch khoảng 200kg gương. Đối với người làm ruộng ở vùng đất trũng lại nhiễm phèn như ở đây thì cây sen là cây “thoát nghèo”. Trồng một cây sen lên là có tiền. Một số nơi bà con trồng sen để bán ngó, bán hoa và lá sen, nhưng ở đây bà con trồng sen chỉ để bán hạt, nên rất hạn chế việc lấy ngó sen, vì làm như vậy gương sen sẽ có nhiều hạt lép”.
Mặc dù hiện nay cả nước đã và đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh hiện đại nhưng hy vọng những bờ tre, giếng nước, những cánh đồng sen thơm ngát, nét “hồn quê” xưa sẽ được gìn giữ vẻ đẹp yên ả thanh bình của một làng quê, kéo dài niềm vui cho nhiều bà con nơi đây.