Những ngôi nhà cao tầng không ngớt vươn lên song hành cùng với đội tàu thuyền công suất lớn liên tục hạ thủy vươn khơi. Biển không phụ lòng người, những cần cù, chịu khó của họ được đền đáp lại bằng những khoang thuyền đầy tôm cá, nhiều làng biển giàu lên từng ngày đó như là đặc ân của đại dương tặng cho những con người “thủy chung” với biển.
Làm giàu từ tình yêu biển!
Đưa chúng tôi về thăm thôn Thiện Chánh 2, đây là 1 trong những làng biển của xã Tam Quan Bắc có tốc độ phát triển cực nhanh phương tiện khai thác hải sản xa bờ nhiều nhất hiện nay với 227 chiếc, công suất máy từ 250 CV - 900 CV. Chậm rãi đi trên tuyến đường ĐT 639 từ Thiện Chánh 1 đến Thiện Chánh 2, chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi hai bên đường dày đặc những ngôi nhà được thiết kế theo kiểu biệt thự mang dáng dấp hiện đại, khang trang và nhiều màu sắc như tiếp thêm sức sống mới cho một làng biển đang trên đà khởi sắc.
|
Đưa cá lên bờ. |
Dừng lại phía bắc mố cầu Thiện Chánh, Lão ngư Huỳnh Tấn Lanh – Bí thư chi bộ thôn Thiện Chánh 2 trầm ngâm nhớ lại một thời chưa xa: “Trước ngày quê hương được giải phóng, dãi cát mênh mông này, có tục danh là cồn Cóc hay còn gọi là gò Thoi loi nằm chơi vơi giữa bốn bề biển cả, toàn gai xương rồng và cỏ dại, nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu cát trắng đến nhức mắt. Tôi còn nhớ, thời đó cuộc sống mưu sinh của người dân làng biển nghèo nơi đây chỉ quanh quẩn ven bờ, con cá con tôm không dễ tìm kiếm nên cái khó, cái nghèo cứ mãi đeo bám từ thế hệ này sang thế hệ khác và đã có không ít người dân vùng biển này đã ra đi tìm cuộc sống ở các vùng đất mới. Vậy mà bây giờ, các chú thấy đấy, cảng cá sầm uất ken dày những con tàu công suất lớn, bên trên thì nhà cao tầng không ngớt vươn lên chẳng khác gì thành phố biển, mặc dù nó chưa thể nói lên hết mọi điều nhưng tất cả minh chứng cho sự cần cù, chịu thương, chịu khó, vượt qua những hiểm nguy của biển cả, vươn ra biển lớn để khai thác kinh tế biển, làm giàu cho gia đình và cho quê hương”.
Cùng chung vui với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng thôn Thiện Chánh 2, cũng là một lão ngư kỳ cựu với hơn 40 năm bám biển phấn khởi cho biết: “Trong ký ức của những người dân làng biển chúng tôi thì sự vất vả, khó khăn ngày nào vẫn còn in hằn trong tâm trí. Trước đây cả thôn chỉ có vài chục chiếc thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ, có ai dám nghĩ đến chuyện vươn ra biển lớn. Nhưng từ hơn mười năm qua, khi Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, nắm lấy cơ hội này, nhiều người đã vay mượn vốn liếng đầu tư cải hoán, đóng mới nhiều phương tiện công suất lớn để vươn ra khơi xa, nhờ đó đã giúp nhiều ngư dân vươn lên trở thành tỷ phú”.
Những tỷ phú trẻ!
Trước đây, ở Tam Quan Bắc nói chung, Thiện Chánh 1 nói riêng, lão ngư Bùi Thanh Ninh là “thần tượng” trong mơ của nhiều ngư dân trẻ bởi khả năng chinh phục và làm giàu từ biển của ông, nhưng theo ông Huỳnh Văn Mọn, Bí thư chi bộ thôn Thiện Chánh 1 cho biết bây giờ ở thôn này đã bắt đầu xuất hiện những “tỷ phú” khi tuổi đời còn khá trẻ mà đã làm chủ từ 2-4 con tàu công suất lớn và ở xã này có người xấp xỉ gần bằng ông Ninh rồi đó! Tôi vui miệng hỏi ông, bà con ngư dân có kê khai tài sản cho ông đâu mà ông biết? Ông cười khà và nhanh nhảu trả lời ngay: “Đúng vậy, nhưng họ không thể giấu được bởi hàng tháng chúng tôi thường xuyên tiếp nhận danh sách của Trạm Biên phòng thống kê số lượng tàu thuyền của ngư dân đăng ký ra khơi qua cửa biển Tam Quan để cơ sở xác nhận thủ tục hỗ trợ chi phí nguyên liệu theo Quyết định 48/2010QĐ-CP của Chính phủ, như vậy sao chúng tôi không nắm rõ được”! Lý giải xong ông còn cho chúng tôi biết thêm “Hiện toàn thôn Thiện Chánh 1 có 564 hộ gia đình, trong đó có hơn 445 hộ sống bằng nghề biển với trên có 190 tàu cá công suất từ 90 – 800CV cùng 52 phương tiện khai thác gần bờ. Vậy tính trung bình mỗi hộ dân Thiện Chánh 1 sở hữu một chiếc tàu trị giá từ 800 - 1 tỷ đồng”!
Quê gốc vốn ở xã Hoài Châu, về xây dựng gia đình và lập nghiệp tại thôn Thiện Chánh 2, sau đó theo bạn đi biển từ năm 24 tuổi nhưng chưa đầy 15 năm, anh Trần Văn Sơn đã trở thành ông chủ ở tuổi 40 sở hữu đội tàu 10 chiếc có tổng công suất 6.000CV, trị giá trên 15 tỷ đồng. Anh Sơn bộc bạch: “Cái chính là nhờ biển cho mình, còn lại là mình chịu khó làm ăn, biết tính toán, biết nhạy bén trong cơ chế chính sách mới của nhà nước và phải mạnh dạn đầu tư đúng thời điểm mới đạt hiệu quả cao”. Ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng thôn Thiện Chánh 2, cho biết thêm: “Với đội tàu này, hàng năm anh Sơn được nhà nước hỗ trợ gần 1,5 tỷ tiền dầu, đây cũng chính là đòn bẫy giúp anh tự tin hơn trong đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế biển. Hay như ngư dân Trần Trung Sơn, ở Thiện Chánh 1 cũng được xếp hạng tỷ phú ở tuổi 43 với số tài sản cố định của anh là 4 chiếc tàu cá tổng công suất 2.000 CV trị giá hơn 10 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, hiện anh đang hoàn thành thủ tục vay vốn theo NĐ 67-NĐ-CP để tiếp tục đóng mới thêm 1 chiếc tàu làm hậu cần cho 4 chiếc tàu câu cá ngừ đại dương của gia đình. Theo anh, tàu này khi hình thành trị giá khoảng 14-16 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Tám, Phụ trách công tác khuyến ngư xã Tam Quan Bắc tự hào chia sẻ: “Ở xã biển này, khí thế làm ăn sôi nổi lắm, nhất là lớp trẻ, họ luôn “cạnh tranh” nhau vươn lên làm giàu bằng những con tàu công suất lớn nên tôi chỉ cung cấp cho anh số liệu tàu thuyền toàn xã đến thời điểm hiện tại thôi chứ không thể khẳng định đó là những con số cố định, bởi hàng tháng, quý liên tục có hàng chục con tàu mới hạ thủy vươn khơi”.
Không cam lòng trước khí thế làm ăn của người dân biển quê mình, hai anh em Nguyễn Thanh Huy (40 tuổi), Nguyễn Thanh Phong (38 tuổi) ở thôn Thiện Chánh 1 bắt đầu khởi nghiệp từ chiếc thuyền 30 CV gần bờ của người cha để rồi bứt phá đi lên. Anh Huy tâm sự: “Từ lúc 15- 16 tuổi, 2 anh em chúng tôi đã theo cha ra khơi đánh bắt cá, nhưng vì tàu có công suất nhỏ nên chỉ đánh bắt các loại tôm, cá gần bờ; năng suất lại rất thấp. Đến năm 2012, khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền xăng dầu cho ngư dân đi biển hai anh em quyết định cải hoán, nâng công suất máy lên 90CV. Thế rồi như có duyên với biển cả, sau nhiều chuyến trúng đậm cá tôm, có “của ăn của để” gia đình vay thêm vốn tiếp tục cải hoán tàu cũ BĐ 97651-TS từ 90 CV lên 640CV và đóng thêm một tàu mới: BĐ 97390-TS (700CV) để có thể bám biển dài ngày hơn”.
Còn ngư dân Đào Vương (38 tuổi), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về với hành trang là đôi bàn tay trắng nhưng sau gần 8 năm đi bạn tích lũy được ít vốn liếng rồi vay mượn thêm hàng trăm triệu để đóng mới chiếc tàu 90CV. Năm 2011, chiếc tàu được hạ thủy và bắt đầu cuộc hành trình dài bám biển. Từ đó đến nay, mỗi chuyến biển Vương và anh em lao động trên tàu thu về từ 2,5 đến 3,5 tấn cá, thu lãi trung bình từ 300 đến 400 triệu đồng. Đến nay anh đã có trong tay tài sản 3 chiếc tàu cá tổng công suất 1.350 CV trị giá trên 4,5 tỷ đồng. Cũng theo anh Vương, nếu đã xác định gắn chặt cuộc đời mình với biển cả mà không có ý chí can trường bám biển và mạnh dạn đầu tư tàu to công suất lớn thì không thể có cơ hội đổi đời được”.
“Khác với thời trước, chuyện làm ăn bây giờ đòi hỏi người đi biển phải tính toán thật kỹ, thật chắc, không ai bỏ ra tiền tỷ để đóng tàu cá nếu không tính toán thật kỹ hướng làm ăn của mình”, ông Lê Xô, chủ 3 con tàu 450CV, phân tích: “Nhiều chủ tàu cho rằng nghề khai thác hải sản ở Thiện Chánh 1 nói riêng và cả xã Tam Quan Bắc nói chung đang trong chiều hướng phát triển mạnh là nhờ nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước, nhưng điều đáng nói ở đây chính là ở sự năng động, đoàn kết của bà con ngư dân”.
Chủ trương hợp lòng dân
Ông Trương Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc khẳng định: “Quyết định 48 của Chính phủ là một chủ trương lớn, kịp thời, hợp lòng dân. Chính sách này, trong hơn 3 năm qua đã hỗ trợ cho bà con ngư dân địa phương 600 tỷ đồng, tạo thời cơ, động lực cho nhiều ngư dân mạnh dạn đóng tàu công suất lớn. Từ cuối năm 2013 đến nay, ngư dân Tam Quan Bắc đã đóng mới, cải hoán 400 tàu cá có công suất máy từ 400CV trở lên, nâng tổng số tàu thuyền toàn xã hiện có 894 chiếc với 352.080 CV, gần một nửa tổng công suất đội tàu khai thác xa bờ toàn huyện Hoài Nhơn, thu hút trên 5.000 lao động địa phương có việc làm thường xuyên trên biển. Nhờ đội tàu khác lớn cộng với thời tiết thuận lợi nên mới chỉ 5 tháng đầu năm 2016, ngư dân tích cực bám biển khai thác hải sản các loại được 7.510 tấn, trong đó 5.500 tấn là cá ngừ đại dương đạt 46,6% kế hoạch. Riêng trong năm 2015, bà con ngư dân địa phương đã khai thác hơn 15.000 tấn, vượt 11% chỉ tiêu, chiếm 1/3 tổng sản lượng khai thác toàn huyện thu về trên 350 tỷ đồng”. Tuy nhiên ông Minh vẫn còn trăn trở bởi do lượng tàu thuyền ở địa phương hiện khá đông, khu neo đậu và cảng cá Tam Quan đã quá tải, luồng lạch luôn bị bồi lấp, nên việc ra vào của các con tàu gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Những năm gần đây đã có nhiều tàu bị phá nước, bị mắc cạn dẫn đến hư hỏng hoặc chìm, gây thiệt hại lớn đến tài sản của bà con. Do đó, để góp phần giúp nghề khai thác thủy sản ở Tam Quan Bắc phát triển bền vững, tránh được những thiệt hại đáng tiếc, các cơ quan chức năng cần có giải pháp khơi thông nạo vét một cách bền vững để tàu thuyền ra vào, neo đậu được thông suốt. Có như vậy, ngư dân mới thực sự an tâm và sống chết cùng biển cả.
Về Tam Quan Bắc những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ vị mặn mòi của biển, dẫu biết rằng gắn bó với nghề biển là phải thường xuyên đối mặt với những tai ương rình rập từ lòng khơi. Nhưng bao đời nay, chính sự khốc liệt của biển cả đã tôi luyện cho những con người nơi đây ý chí, nghị lực phi thường. Đối với những người dân vùng ven biển Hoài Nhơn cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi họ biết “vượt lên chính mình” để kiên cường bám biển, đánh bắt hải sản vươn lên làm giàu chính đáng đồng thời góp phần bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.