|
Diêm dân Phù Cát thu hoạch muối. |
Ông Nguyễn Văn Thế, phó chủ tịch UBND xã cho biết: xã Cát Minh có khoảng 530 hộ làm muối, tập trung ở 2 thôn Đức phổ I và thôn Đức phổ II. Tuy nhiên, do giá muối không ổn định, và ở mức quá thấp, nên nhiều hộ diêm dân bỏ ruộng không sản xuất. Hiện tại diện tích đưa vào sản xuất chỉ còn khoảng 58 ha, giảm 7 ha so với kế hoạch. Trong đó có 0,7 ha muối trải bạt. Thời vụ sản xuất muối, tùy theo thời tiết từng năm, nhưng thông thường bắt đầu vụ từ tháng giêng âm lịch, đến tháng 5 – 6 là thời điểm chính vụ. Nhưng năm nay thời điểm này, những bà con diêm dân đang gặp khó đủ bề bởi giá thiêu thụ thấp, sản lượng giảm.
Đưa chúng tôi thăm cánh đồng muối, dưới cái nắng như đổ lửa, hai bên ruộng muối trắng xóa, cái nóng hầm hập bốc lên phả vào mặt mặn chát, và thử nắm một nắm muối trên tay mới thấy hết được cái nóng, cái bỏng rát mà người làm muối phải chịu đựng.
Nói đến làm muối, cái nghề tưởng chừng đơn giản chỉ cần bơm nước biển vào ruộng, chờ nắng làm nước bốc hơi là có thể thu hoạch đem bán lấy tiền, nhưng thực tế lại đòi hỏi không ít mồ hôi, công sức. Nếu không tính công làm ruộng, đắp bờ, để làm ra được hạt muối thì nước biển cũng phải được bơm sang 4 đám ruộng chứa nước mới đến ruộng kết tinh diện tích khoảng trên, dưới 100 m2. Trong suốt thời gian mùa vụ, mỗi ngày diêm dân chỉ có thể nghỉ ngơi được chừng hơn hai đến ba tiếng đồng hồ, còn lại phải ở ngoài ruộng. Cái nghề chủ yếu lấy công làm lãi này dù cực khổ là vậy nhưng năm nào được giá mới xem như có dư chút ít.
Anh Nguyễn Văn Lượng, diêm dân ở thôn Đức Phổ 1, gia đình có 7 nhân khẩu, được nhận 300 m2 ruộng muối kết tinh, tâm sự: Những năm trước gía cả tiêu thụ ổn định hơn, cũng như sản lượng làm ra nhiều hơn, nên cuộc sống cũng tạm ổn. Nhưng 2 năm trở lại đây giá muối quá thấp, mà muối cũng rất khó bán, muối làm ra không đủ để đắp đổi chi phí và lo cho cuộc sống hàng ngày, nhà tôi chỉ chuyên nghề làm muối không có nghề nào khác, nên thiếu ăn. Mặc dù vậy cũng phải làm muối…
Giá thấp, thương lái không mua, hoặc là mua ép giá nhưng hầu hết diêm dân xã Cát Minh dù muốn hay không cũng phải bán để trả tiền thuê mướn nhân công, phần còn lại chi phí cuộc sống gia đình. Đối với hầu hết những diêm dân nơi đây, câu chuyện của hạt muối rớt giá gần như không còn xa lạ nữa.
Ông Nguyễn Thái Bình Trưởng thôn Đức phổ I, là thôn có đa phần người dân sống dựa vào nghề làm muối cho biết: Thôn Đức Phổ 1 có 379 hộ làm nghề sản xuất muối, trên diện tích 42 ha. Trước đây giá muối ổn định ở mức có lãi, nên cuộc sống bà con tạm ổn. Nhưng từ năm 2015 đến nay giá muối quá thấp, không có đầu ra, mà có bán được muối thì cũng không đủ chi phí, thuê mướn, nên đa phần diêm dân ở đây cuộc sống khó khăn khốn đốn. Dù vậy họ vẫn phải làm muối vì không có nghề nào khác. Tính ra ngày công người làm muối rẻ mạt, là do bà con diêm dân tự sản xuất tự tiêu thụ, thị trường buôn bán muối ít người mua nên bị tư thương ép giá, trong khi Nhà Nước cũng chưa có giải pháp nào để tiêu thụ muối cho bà con, hoặc quản lý giá cả một cách ổn định. Hiện tại giá muối dưới mức 400 đồng/kg, thu nhập của Diêm dân rất thấp, trong khi thời vụ làm muối mỗi năm chỉ được 7 tháng, thời gian còn lại không làm được. Để ổn định cuộc sống bà con diêm dân chúng tôi mong rằng cấp trên có giải pháp hổ trợ về giá, hoặc là thu mua muối cho bà con, để đầu ra hạt muối có giá ổn định, bà con diêm dân sống được, còn nếu tình trạng này kéo dài thì cuộc sống diêm dân sẽ trong trình trạng bế tắc.
Giá muối giảm mạnh nhưng thương lái chẳng mặn mà thu mua, khiến diêm dân càng thêm khốn đốn. Chính vì vậy, vụ muối năm nay thời tiết thuận lợi nhưng sản lượng muối làm ra đến cuối tháng 5 chỉ khoảng 5.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm 2015, còn hiện tại giá muối chỉ khoảng 400 đồng/kg đối với muối thường, còn muối trải bạt là 600 đồng/kg, giảm từ 800 đến 1.000 đồng/ kg, so với năm 2014. Nhiều diêm dân còn cho biết “giá muối quá thấp thì đổ đống, tủ lại chờ giá muối lên để bán là chuyện năm nào cũng có”, nhưng muối liên tục rớt giá suốt 2 năm qua, muối không bán được, thì lấy tiền đâu lo cuộc sống. Khó khăn là vậy, nhưng diêm dân xã Cát Minh vẫn phải bám nghề, bởi bỏ nghề muối thì không thể làm nghề gì khác.
Ông Võ Văn Thế - Phó Chủ tịch UBND xã nói: Làm muối là nghề truyền thống của Cát Minh, nhưng liên tục mấy năm qua giá muối sụt giảm, nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn túng thiếu, người dân cũng như chính quyền địa phương mong chính quyền các cấp có hướng tháo gỡ để ổn định cuộc sống cho bà con diêm dân và tiếp tục gắn bó với nghề làm muối.
Làng muối Cát Minh được hình thành không biết từ bao giờ, nhiều diêm dân gắn bó với nghề từ đời ông, cha đến bây giờ là đời con, cháu, chắc, giờ đã thành cái nghiệp. Ngậm ngùi cái nghiệp làm ra hạt muối mặn cho đời, ngọt ngào thì ít mà đắng cay lại nhiều./.