Để giảm thiểu áp lực của việc nuôi tôm theo phương thức thâm canh – bán thâm canh, việc chuyển đổi hình thức nuôi sao cho phù hợp với điều kiện ao hồ của từng vùng nuôi cụ thể là hết sức cần thiết. Nuôi ghép theo hướng An toàn sinh học là một trong những phương hướng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro.
1. Nuôi ghép tổng hợp
Nuôi ghép tổng hợp là hình thức nuôi kết hợp nhiều loại nuôi trên
cùng một diện tích, trong cùng một thời vụ nhằm tận dụng sự tương tác có lợi của các loài nuôi; để tận dụng thức ăn tự nhiên, hoặc ăn chất thải của đối tượng chính nhằm tạo cân bằng môi trường đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các mô hình nuôi ghép phổ biến ở các khu vực nước lợ là:
- Nuôi ghép tôm sú với cá dìa.
- Nuôi ghéo tôm sú, cá rô phi, cá kình, cá dìa.
- Nuôi ghép tôm sú với cá dìa, cá đối, cua xanh, rong câu.
- Nuôi ghép tôm sú với cá chua.
2. Mục đích của việc nuôi ghép
- Tận dụng và khai thác tối đa diện tích mặt nước, tiết kiệm chi phí thức ăn trong quá trình nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng hiệu quả kinh tế - xã hội.
- Áp dụng hình thức nuôi ghép theo hướng sinh thái nhằm bảo vệ và khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo ổn định, bền vững môi trường sinh thái, hạn chế dịch bệnh cho thủy sản nuôi.
- Nhằm giảm bớt các rủi ro về dịch bệnh của hình thức nuôi chuyên tôm, thả ghép loài khác để tận dụng thức ăn thừa và chất thải của tôm, cải thiện môi trường ao nuôi theo hướng bền vững.
3. Cách chọn các đối tượng nuôi ghép
Với những mục đích trên, các đối tượng được chọn dùng để nuôi ghép có những đặc điểm sau:
- Sống thích hợp trong vùng nuôi tôm.
- Không ăn tôm.
- Các loài cá ăn chủ yếu mùn bã hữu cơ.
Các đối tượng có thể chọn: cua, cá đối, cá dìa, cá chua, cá rô phi.
4. Một số đặc điểm của các đối tượng nuôi ghép
Cá dìa
Cá dìa (Siganus guttatus) hay còn gọi là cá dìa bông, là loài rộng muối, có thể sống vùng nước lợ, mặn có độ sâu đến 6 m. Cá bột sống quanh quẩn cửa sông, riêng cá trưởng thành thường ra vào cửa sông theo thủy triều. Thức ăn tự nhiên là tảo đáy, rong. Loài cá này hoạt động vào ban đêm. Kích cỡ lớn nhất có thể đạt được là 42 cm.
Cá đối
Cá đối là loài rộng muối, phân bố rộng rãi trong các thủy vực nước lợ, mặn vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, đối tượng nuôi phổ biến nhất là cá đối mục (Mugil cephalus) do đặc điểm phân bố rộng, sinh trưởng nhanh và đạt kích cỡ lớn khi thành thục. Cá đối ăn động vật phù du và chuyển sang ăn thực vật phù du, mùn bã hữu cơ lơ lửng, thảm thực vật đáy lúc trưởng thành. Trong điều kiện nuôi, ngoài nguồn thức ăn tự nhiên chúng có thể ăn thức ăn chế biến và thức ăn công nghiệp.
Cá măng (Cá chua)
Cá măng (Chanos chanos) là loài cá sống rộng muối. Trong tự nhiên cá ăn phiêu sinh thực vật, cá măng còn ăn tạp: Mùn bã hữu cơ, các chất vẫn trong nước hay đáy ao. Thảm thực vật đáy là nguồn thức ăn ưa thích nhất của nó. Ngoài ra trong điều kiện nuôi, cá măng còn sử dụng rất tốt nguồn thức ăn nhân tạo.
Cua
Cua biển là loài phân bố rộng, nhiệt độ thích hợp từ 25 – 300C. Tính ăn của cua thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn ấu trùng cua thích ăn thực vật và động vật phù du. Cua con chuyển dần sang ăn tạp như rong to, giáp xác, nhuyễn thể, cá. Cua có tập tính trú ẩn vào ban ngày và kiếm ăn vào ban đêm.
5. Một số hình thức nuôi ghép Đa dạng hóa theo hướng An toàn sinh học đang thực hiện tại Bình Định
Nuôi ghép cá chua với cua trong ao
Ao nuôi với diện tích 5.000 m2, được thả nuôi với 2 đối tượng là cá chua và cua. Cá chua là đối tượng nuôi chính, kích cỡ 10 – 12 cm/con, mật độ 0,5 con/ m2; cua được thả ghép với mật độ 0,3 con/m2, kích cỡ cua giống 2 – 2,5 cm/con.
Chỉ cho ăn đối tượng nuôi chính là cá chua. Cho ăn bằng thức ăn công nghiệp chất lượng tốt, độ đạm trên 25% và lượng thức ăn từ 4 – 10% trọng lượng. Cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối. Vì vậy, cho cá chua ăn trước lúc trời tối để hạn chế việc cạnh tranh thức ăn.
Nuôi ghép cua với cá dìa trong ao
Ao nuôi với diện tích 20.000 m2, được thả nuôi với 2 đối tượng là cua và cá dìa. Cua là đối tượng nuôi chính, kích cỡ lớn hơn 1,2 cm, mật độ 0,5 con/ m2; cá dìa được thả ghép với mật độ 0,1 con/m2, kích cỡ cá dìa giống 4 – 6 cm/con.
Chỉ cho ăn đối tượng nuôi chính là cua. Cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối nên cho cua ăn 1 lần/ngày vào lúc chiều tối.
Nuôi ghép tôm sú với cá dìa
Ao nuôi với diện tích 20.000 m2, được thả nuôi với 2 đối tượng là tôm sú và cá dìa. Tôm sú là đối tượng nuôi chính, thả tôm sú giống PL15, mật độ 10 con/ m2; cá dìa được thả ghép với mật độ 0,2 con/m2, kích cỡ giống 4 – 6 cm/con.
Sử dụng thức ăn công nghiệp cho ăn đối tượng nuôi chính là tôm sú. Cho ăn 2 – 3 lần/ngày tùy theo mật độ tôm thả. Lượng thức ăn viên cho tôm ăn hàng ngày từ 2 – 10% trọng lượng thân của tôm. Cho ăn chủ yếu vào chiều tối và ban đêm.
Đối với cá dìa, ngoài nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao như rong tảo, cá còn ăn nguồn thức ăn tự nhiên tạo ra bằng cách gây màu nước, thức ăn tự chế biến và nguồn thức ăn thừa của tôm sú.