Lãnh đạo địa phương: Dám nghĩ, dám làm!
Ông Lê Văn Thể – Phó Bí thư TT Đảng uỷ xã, cho biết: Năm 2015, Mỹ Hòa mạnh dạn chớp thời cơ thực hiện chủ trương của Huyện và hỗ trợ của Tỉnh trong việc làm bê tông giao thông đường làng, ngõ xóm, theo phương châm “Nhà nước, nhân dân cùng làm”.
|
Nông dân xã Mỹ Hòa xây dựng đường bê tông nông thôn. |
Ngoài 100% xi măng của tỉnh, để hỗ trợ người dân thực hiện chương trình này, xã Mỹ Hòa có Nghị quyết HĐND xã: Đối với các nhánh rẽ, đường cụt, nếu đủ 10 hộ trở lên xã hỗ trợ 50%, từ 5 - 9 hộ xã hỗ trợ 20% so với dự toán. Chủ trương và sự hỗ trợ của tỉnh, của xã như một luồng gió mới khơi dậy sức dân. Hơn 17km đường được đăng ký trong năm 2015 và chỉ trong hai tháng 11, 12/2015, 100% km đường bê tông đường làng, ngõ xóm đã trở thành hiện thực một cách sinh động. Phong trào làm bê tông đường làng, ngõ xóm không ngừng được lan tỏa khắp nơi trên địa bàn 7 thôn của Mỹ Hòa. Với khí thế đó, chỉ trong 4 tháng (từ tháng 4/ 2016 – 8/2016) từ việc tự nguyện đăng ký của các nhóm hộ dân, Mỹ Hòa triển khai và tổ chức thi công xong việc đổ bê tông xi măng 24km đường làng, ngõ xóm, đi tới tận cửa nhà dân, như thiết thế kế mẫu, làm theo cơ chế đặc thù, do dân đóng góp, dân làm, dân giám sát, vừa đảm bảo chất lượng, vừa giảm 30% giá trị công trình “có được kết quả tích cực này không chỉ ở sự táo bạo, “dám nghĩ, dám làm” của lãnh đạo xã mà phần lớn là nhờ sự đồng lòng, chung sức của toàn dân, trong đó đặc biệt nhất là hộ nông dân trên địa bàn” – ông Thể khẳng định.
Nông dân đồng tình, hưởng ứng!
Ông Nguyễn Lộc – Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi chia sẻ: Là Hội Nông dân cấp xã, chúng tôi hưởng ứng ngay, có hành động ngay từ đầu, cùng với các hội, đoàn thể khác, hội nông dân xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến từng chi, tổ hội và hội viên nông dân một cách cặn kẽ về ý nghĩa thiết thực chủ trương bê tông đường làng, ngõ xóm, và nhanh chóng nhận sự đồng thuận từ nông dân. Trong đó, vai trò của mỗi cán bộ tổ, chi hội nông dân không chỉ gương mẫu đi đầu mà còn luôn sâu sát dân, kịp thời giải đáp những thắc mắc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hội viên nông dân trong quá trình thực hiện. Và nhờ đó, hầu hết ai nấy thấu hiểu, cùng với các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương, nông dân Mỹ Hòa không những góp phần tự nguyện hiến hơn 10.000m2 đất, trên 2,000m2 hoa màu, gần 500m2 lúa, hơn 400 cây lâu năm, hơn 400m tường rào các loại…mà còn bỏ ra hàng tỷ tỷ đồng để chung sức bê tông hóa những tuyến đường làng, ngõ xóm…“khi thấy đường sạch, đẹp, đi lại thông thoáng, văn minh, vô tận nhà, thì ai nấy cũng ưng bụng, phấn khởi lắm”.
Đưa chúng tôi đi thực địa tại những tuyến đường mới do chi hội nông dân thôn An Lạc 1 vừa hoàn thành, ông Lộc chỉ vào từng con đường, phấn khởi nói: Không riêng gì An Lạc 1, mà Mỹ Hòa nơi nào nông dân cũng rầm rộ phong trào làm bê tông đường làng, ngõ xóm. Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Hội Khánh ông Võ Văn Chánh, cho hay: Mỗi một hộ nông dân đều ý thức được đây chính là lợi ích cho chính mình. Với tâm lý “bỏ tiền làm đường không mất đi mà là đầu tư cho chính gia mình, cho con, cho cháu mình có điều kiện sống tốt hơn” nên trừ những hộ neo đơn, già yếu, hoàn cảnh khó khăn, các hộ dân còn lại trong thôn đều đóng góp từ 1,1 triệu đồng trở lên. Nhờ đó, trong năm 2016, 1.975m đường ngõ xóm trên địa bàn thôn đã được đúc bê tông xi măng đúng tiến độ. Đường xong rồi, hộ nào cũng phấn khởi!
Theo ông Lê Văn Tài, Bí thư chi bộ thôn Phước Thọ: Năm 2016, thôn làm gần 5.700m đường làng, ngõ xóm. Nhiều hộ không so đo, có hộ chỉ mỗi một mình bỏ tiền ra để làm đường vào tận xóm, tận nhà, như hộ gia đình nông dân Huỳnh Nhì (88 tuổi) là một ví dụ. Tích cóp tiền của con, cháu cho dưỡng già, ông bà bỏ ra hơn 35 triệu đồng, góp phần làm đường bê tông chạy thẳng từ đường lớn vào nhà. Khi chúng tôi hỏi nguyên do, vì sao không có sự đóng góp từ những hộ dân xung quanh. Ông bộc bạch: “tui nghĩ, được tỉnh hỗ trợ xi măng, xã cho thêm tiền, mà mình không làm được, cứ chần chừ, mất cơ hội thì biết chừng nào làm được. Lại nghĩ tới cảnh bà con mình chở lúa, chở kiệu bằng xe đạp, xe máy đường sụt lún, trơn trợt, đến tụi nhỏ mặc cái áo dài trắng thiệt ngon vậy mà ra đường lấm lem hết, thấy tội lắm, nên nhà tui bàn, thôi cứ làm, ai góp được thì góp, không góp thì coi như mình làm cho con cháu mình đi, nghĩ vậy nên tui quyết làm” Rồi đưa mắt nhìn ra con đường mới còn nguyên mùi hồ trộn sạch, thoáng, tinh tươm ông Nhì thủ thỉ, “tui sống từ thời Pháp, thời Mỹ đến thời này, chưa thấy khi nào mà sướng như nay, đường cái thẳng băng, xe lúa, xe kiệu, ba bốn bánh chạy ro ro đến tận nhà”. Chia tay ông Nhì giữa trưa tròn nắng, đi trên con đường mới hoàn thành, chúng tôi nhớ như in giọng cười giòn tan, sảng khoái và câu nói cuối của ông khi tiễn chúng tôi “đường làm xong đẹp, đẹp lắm, ai cũng khen”.
“Trước kia, muốn qua nhà ông Phan Văn Hoàng và ông Võ Văn Hùng, ở thôn An Lạc 1 phải vượt qua hàng trăm mét đường bờ ruộng nhấp nhô, trơn trượt, hai xe máy đi ngược chiều phải dừng lại né nhau lắm mới qua được, nhưng nay xe ba, bốn bánh chạy ngon ro luôn, đường 2,5m luôn mà” – vừa đưa tay chỉ vào con đường mới bê tông trước mặt, ông Huỳnh Xuân Bang – Chi hội trưởng nông dân thôn An Lạc 1 vừa cho biết: Vì đường chỉ đi qua nhà 2 hộ, không nằm trong diện được hỗ trợ của UBND xã nên để làm con đường này, mỗi hộ gia đình đã bỏ ra gần 40 triệu đồng. “Ở quê mà bỏ ra hơn cây vàng làm đường không phải ít, nhưng cái giá này cũng rất là đáng, tiền rồi cũng hết nhưng con đường thì tồn tại từ đời này qua đời khác” nông dân Phan Văn Hoàng sảng khoái tâm tình.
Không riêng ông Nhì, ông Hoàng, hay ông Hùng, mà từ khi triển khai phong trào đã xuất hiện nhiều hộ nông dân điển hình bỏ ra từ 1 đến hàng chục triệu đồng để làm đường, mà trong chuyến công tác này chúng tôi không thể đến hết từng nhà được. Còn có cả đóng góp của những người con cháu đi làm ăn xa quê, qua sự vận động của chi, tổ hội nông dân, như trường hợp của xóm 5 thôn Phú Thiện, con cháu ở xa đã đóng góp hơn 45 triệu đồng, hay trường hợp con của ông Phạm Minh Cần ở xóm 7 thôn Phú Thiện đóng góp 10 triệu đồng…“Đặc biệt, có những ruộng lúa, sào đậu chỉ còn dăm bữa nữa tháng nữa là đến kỳ thu hoạch, nhưng để kịp tiến độ thi công công trình, nhiều hộ nông dân sẵn sàng, vui vẻ cắt, nhổ mang về. Cái nào sử dụng được thì sử dụng, không thì cho bò ăn”, chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Phú Thiện ông Trần Hoà tự hào khoe.
Chính sự đồng thuận, nhất trí cao từ nhân dân mà chưa đầy hai năm (2015 – 2016), xã Mỹ Hoà đã bê tông hoá hơn 41.000m đường làng, ngõ xóm - chiếm 1/3 tổng số toàn huyện và là địa phương đứng đầu trong phong trào này, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương phát triển, mà từ những con đường này, làng xóm nơi đây như khoác lên mình một màu áo tươi mới, đẹp đẽ, khang trang, sáng lán chưa từng có.
Và những “đoạn đường Nông dân tự quản”
Sau khi các tuyến đường được xây dựng hoàn thành, người dân lại suy nghĩ làm sao để quản lý và bão dưỡng đường tốt hơn? đáp ứng được nhu cầu đi lại hiệu quả hơn? Thấu hiểu được nguyện vọng đó, Hội Nông dân xã Mỹ Hòa đã triển khai xây dựng mô hình “đoạn đường nông dân tự quản”. Mô hình được thực hiện đầu tiên tại thôn Phú Thiện, có chiều dài 1.000m. Ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa, cho biết: “tại “đoạn đường nông dân tự quản”, mỗi hộ dân được phát tờ rơi tuyên truyền về cách thức xây dựng, quản lý và bảo dưỡng “đoạn đường nông dân tự quản”, như không xả rác, phân súc vật, không để ứ đọng nước, thông thoáng tầm nhìn…”
“Với sự tham gia của Hội Nông dân cơ sở, mình làm, mình đi, mình bảo quản, cảnh quan môi trường trên “đoạn đường nông dân tự quản” tại thôn Phú Thiện đã có sự chuyển biến rõ rệt, giảm hẳn tình trạng ô nhiễm, xả rác bừa bãi, xâm lấn hành lang an toàn giao thông, tạo nên quang cảnh “xanh - sạch - đẹp” ở địa phương”, ông Nguyễn Trí – Bí thư Đảng uỷ xã nhận định.
|
Nông dân xã Mỹ Hòa xây dựng đoạn đường nông dân tự quản. |
Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Nguyễn Lộc phấn khởi cho hay: Phát huy hiệu quả mô hình “đoạn đường nông dân tự quản” tại thôn Phú Thiện, Hội Nông dân xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, động viên các chi hội học tập, tổ chức triển khai nhiều “đoạn đường nông dân tự quản” ở các thôn còn lại. Trước mắt, từ nay đến tháng 10/2016 sẽ hoàn thành xây dựng mô hình “đoạn đường nông dân tự quản” tại thôn Hội Phú và thôn An Lạc 1, qua đó góp phần thiết thực cùng với các tổ chức hội - đoàn thể ở địa phương chung tay nâng cao chất lượng về tiêu chí môi trường ở xã nông thôn mới Mỹ Hòa.