|
Người dân xã An Toàn lên rừng hái sim. |
Trên con đường bê tông ngoằn ngoèo uốn lượn dài hơn 45km, băng qua các triền đồi, dốc núi cheo leo đưa chúng tôi lên với vùng cao An Toàn, huyện vùng cao An Lão, nơi có độ cao hơn 1050m so với mặt nước biển. Nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, vẫn còn nguyên sơ những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài lâm sản và động vật rừng phong phú, đa dạng và quý hiếm, những thác suối đá nước trong xanh thơ mộng, những đồi sim tím bạt ngàn đã hấp dẫn du khách ngay từ lần đầu đặt chân lên mảnh đất An Toàn. Thật không ngoa khi có người ví An Toàn là viên cảnh của “Đà lạt thứ 2”. Có lẽ được thiên nhiên ưu đãi về một vùng khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù nên cây sim tự nhiên trên đất An Toàn cũng đơm hoa, kết trái khác mùa so với những đồi sim hiện có ở dưới vùng đồng bằng hoặc trung du. Nếu mùa sim ở đồng bằng bắt đầu từ xuất hiện khi thời tiết chuyển sang Xuân- Hè, thì ở vùng cao An Toàn mùa sim bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10, đúng vào thời điểm giao thoa giữa mùa Hè và mùa Thu.
Từ lâu đời, người Ba Na ở vùng cao An Toàn đã phát hiện ra những đồi sim rộng lớn bạt ngàn rộng hàng trăm ha nằm tại Sân bay Gió Vụt và Đồng Cỏ Lớn mà người dân địa phương (Thôn 1) quen gọi tục danh là Đồng sim Mâm Lang. Vào mùa hoa sim nở, cả một vùng rộng lớn ở Thôn 1, xã An Toàn chìm ngập trong màu tím hoa sim. Những đứa trẻ chăn trâu nô đùa, tinh nghịch bẻ những cành hoa sim kết thành những vòng nguyệt quế cài lên đầu bạn gái giả làm cô dâu trông thật lãng mạn và đẹp mắt. Trước đây, vào mùa sim chín, những người dân địa phương khi đi lên rẫy, chăn thả gia súc, khi ngang qua đồi sim chỉ hái một ít trái sim chín ăn chơi dọc đường, thi thoảng mới có một vài người dưới xuôi lên chơi An Toàn, ghé đồi sim hái vài ba cân trái sim chín về làm quà cho lủ trẻ hoặc ủ rượu sim uống chơi, ít ai nghĩ đến giá trị của trái sim.
Từ lâu, trái sim chín ở nhiều địa phương khác trong nước đã được sử dụng để chế biến rượu sim, một loại rượu đặc sản được nhiều người tiêu dùng. Trong khi đó trái sim ở An Lão vẫn còn “ngủ quên” trên đồi núi. Giữa tháng 8 năm 2016, được sự cho phép của UBND huyện An Lão, Công ty TNHH Thiên Ân ở tỉnh Kon Tum đã tổ chức thu mua trái sim chín tại xã An Toàn, từ đó đến nay hàng trăm ha sim ở vùng rừng núi An Toàn đã được đánh thức. Trái sim ở xã An Toàn không chỉ có giá trị hàng hóa tại địa phương mà bước đầu đã được đem mua, bán tại chợ huyện và các vùng lân cận.
Gần một tháng nay, nhiều người dân trên địa bàn huyện An Lão tay xách, nách mang dụng cụ và lương thực đổ xô lên xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão) để hái trái sim rừng tự nhiên bán cho thương lái. Bình quân mỗi ngày một người cũng có thu nhập từ 200-300 ngàn đồng từ bán trái sim. An Toàn đang vào mùa sim chín rộ…Chị Đinh Thị Bách một người dân ở Thôn 1, xã An Toàn cho hay: “ Nhiều ngày nay, người dân trong thôn kéo nhau lên sân bay Gió Vụt và Đồng sim Mâm Lang để hái trái sim bán cho tư thương. Từ sáng sớm, thức dậy gói cơm, mang bao bị, gùi trên lưng đi bộ vài giờ đồng hồ mới vào được rừng để hái trái sim, đến lúc mặt trời sắp lặng thì rủ nhau gùi sim về làng. Mùa này sim ra trái sai lắm, mỗi bụi sim cũng hái được cả ký trái sim chín. Bình quân mỗi người lớn một ngày cũng có thu nhập từ 200-300 ngàn đồng từ bán trái sim, trẻ nhỏ thì thu nhập ít hơn chỉ từ 150 ngàn đến 180 ngàn đồng/ngày là nhiều…”.
Bà T. một tư thương ở xã An Hòa (An Lão) lên làm đại lý thu mua trái sim cho Công ty Thiên Ân cho biết: “Một tuần qua, đại lý của tui đã thu mua được hơn 10 tấn trái sim đem bán lại cho Công ty Thiên Ân với giá 12 ngàn đồng/kg. Trong khi đó đại lý đã mua trái sim của người dân trong làng với giá từ 9-10 ngàn đồng/kg. Mùa sim năm nay ở xã An Toàn thật sự vui nhộn vì cả người mua và người bán đều được mùa bội thu”. Mới đây, một số người từ thành phố về thăm quê An Lão đi ngang qua những đồi sim, nhìn những cánh hoa sim tím mảnh mai, thanh tao, thơ mộng đã này ra ý tưởng thuê người đào một vài gốc sim đem về phố làm cây cảnh.
Trao đổi về việc quản lý, định hướng quy hoạch các vùng đồi sim trên địa bàn huyện, ông Đỗ Tùng Lâm Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện An Lão cho biết: “ Đảng bộ huyện An Lão khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xây dựng 02 Đề án về Phát triển lâm nghiệp bền vững và phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch để phát huy lợi thế của huyện về đất rừng và tài nguyên rừng theo đúng định hướng của tỉnh. Theo thống kê thì hiện nay trên địa bàn huyện An Lão có trên 500 ha rừng sim tự nhiên nằm trong đất lâm nghiệp, trong đó tại tiểu khu 37 (sân bay Gió Vụt, xã An Toàn) có gần 200 ha cây sim và tại Tiểu khu 33 (giữa xã An Tân và An Quang) có trên 320 ha. Hiện nay huyện An Lão đã có tờ trình và được UBND tỉnh đồng ý cho khoanh vùng để bảo tồn và phát triển cây sim tại Tiểu khu 33. Trước mắt, UBND huyện An Lão đã có chủ trương giao diện tích các đồi sim tự nhiên cho người dân địa phương bảo quản, thu hoạch trái sim dưới tán rừng, góp phần tăng thu nhập kinh tê hộ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất rượu sim, từng bước xây dựng thương hiệu “ Rượu sim An Lão” nhằm phục vụ cho phát triển du lịch và hoạt động tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn tới tại địa phương…”.