|
Đội máy gặt ĐLH của Quân thu hoạch lúa. |
Đi đến nhà Quân là con đường đất mới toàn sỏi đồi, địa phương đang hoàn tất mặt bằng và đổ bê tông nên phải đi đường vòng. Đi hết con đường nghẹo vào đầu xóm có cây bàng vuông lớn nhìn phía tay phải một ngôi nhà mái bằng, gác lỡ trông khá khang trang, trước sân có 3 máy GĐLH xếp hàng ngang, Quân đang chăm chú cùng một thợ thuê từ thành phố Hồ Chí Minh ra đang bảo dưỡng máy. Thấy tôi gọi Quân hớn hở chào rồi vội vào nhà thay lại bộ quần áo, nai nịt tươm tất đón khách, ngồi trên bộ bàn ghế sa lông uống tách trà nóng, Quân đon đả: Em mới dẫn 3 máy GĐLH về hôm qua, 2 máy nữa để trong đó (tỉnh Bình Thuận) để mùng 10 Tết là vô gặt. Đi miết, tuy vất vả nhưng cũng vui mình biết đó, đây, học hỏi nhiều điều.
Cách đây 9 năm (2007) tôi biết Quân lúc đó chàng trai đang khát vọng làm giàu, điều đặc biệt ấn tượng là anh luôn đi chân đất, đã mạnh dạn đứng ra xin địa phương cho thuê một ao hoang giữa đồng rộng 1.300m2, bỏ ra hơn 100 triệu đồng đầu tư, đổ trụ bê tông cất gia trại trên mặt nước nuôi gà, bên dưới thả nuôi cá. Nhiều người ở thời điểm đó cho anh “biết thấy xa, trông rộng” và đây là gia trại thứ 2, còn gia trại cũ tại nhà với dãy chuồng nuôi heo rộng 220m2, anh tự thiết kế xây dựng giống như một trang trại cấp 2, nuôi mỗi lứa 130 con heo thịt (4 lứa/ năm), 30 con heo sinh sản và 1 dãy chuồng nuôi gà thịt 1.000 con/ lứa. Để tránh ô nhiễm môi trường do phân gia súc, gia cầm thải ra, anh đã xây dựng hầm khí biogas đưa vào sử dụng đầu tiên ở địa phương.
Theo anh, toàn bộ nguồn vốn đầu tư xây dựng gia trại, mua con giống đều tích lũy được qua lợi nhuận, cộng với vốn ban đầu khi làm gia trại anh có mượn anh, chị em, bà con trong gia đình và có vay thêm vốn từ ngân hàng. Lợi nhuận từ chăn nuôi gia trại đã giúp anh trả hết nợ và còn ít vốn lận lưng cũng lên đến vài trăm triệu đồng chưa biết đầu tư vào đâu, thì tháng 4 năm 2011 tại quê hương anh Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh phối hợp với Trung Tâm Khuyến công Quốc gia và huyện Tuy Phước, tổ chức Hội thi Máy gặt đập liên hợp các tỉnh phía Nam, nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất nông nghiệp; giảm bớt chi phí trong thu hoạch lúa cho nông dân. Tận mắt chứng kiến các máy gặt thu hoạch lúa hoạt động hiệu quả trên đồng ruộng, anh lân la tìm hiểu, hỏi thăm các nhà chế tạo máy về tính năng kỹ thuật, giá cả, rồi nhẩm tính bao lâu thu hồi vốn, cứ thế như thể có phương án sẵn trong đầu rồi năm 2012 anh quyết định mua máy về làm dịch vụ. Thời điểm đó ở Bình Định chưa có máy GĐLH nhãn hiệu KUBOTA, anh ôm cục tiền vào tận một đại lý ở tỉnh Bình Dương, ở nửa tháng trời xem máy và học cách vận hành, rồi quyết định mua 1 máy GĐLH hết 515 triệu đồng thuê xe tải chở về, hôm tập kết máy trước sân nhà bà con trong thôn kéo đến xem đông như hội.
Được nhà phân phối chỉ bảo, chỉ sau ít hôm Quân đã thực nghiệm gặt thành thạo trên đồng ruộng và vụ gặt đầu tiên máy GĐLH cùa anh hoạt động hiệu quả ngay trên quê hương mình. Hết vụ tính chi phí còn dư kha khá hơn 200 triệu đồng, và thấy đây là tiềm năng mình có thể làm dịch vụ được, nên anh trực tiếp đến Quỹ Tín dụng nhân dân xã Phước Sơn xin vay 220 triệu đồng, được Quỹ giải ngân anh mua thêm 2 máy GĐLH nữa, lúc này giá máy có tăng 10 triệu đồng/chiếc, mua hết 1 tỉ 050 triệu đồng. Kể từ đó cho đến năm 2014 anh rong rủi khắp trong Nam, ngoài Bắc, lên Tây Nguyên gặt thuê. Không dừng lại ở đó, năm 2015 anh vay theo NĐ số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn được ngân hàng giải ngân hơn 1 tỉ đồng nữa tậu thêm 2 máy GĐLH, đến giờ tổng cộng 5 chiếc máy GĐLH có giá trị trên 2,6 tỉ đồng. Để vận chuyển máy GĐLH đi xa anh còn đầu tư mua 1 chiếc xe tải hết 400 triệu đồng.
Quân kể: Bây giờ em có đội ngũ chuyên nghiệp điều khiển máy GĐLH lên đến 16 người, thợ lái và công nhân đứng máy hứng lúa (có 4 là bộ đội xuất ngũ tuổi chừng hơn 35, còn lại đều cánh thanh niên 21 – 28 tuổi) được bao ăn và trả công 9 triệu đồng/ tháng/ thợ lái, còn công nhân hứng lúa được trả công 6 triệu đồng/ người/ tháng. Để máy hoạt động liên tục ở mỗi tỉnh mình đều có vệ tinh, khi đồng ruộng nơi nào lúa chín họ phôn thì lập tức điều máy đến gặt 1 tuần đến nửa tháng là xong đi tỉnh khác. Cứ vậy, cả năm chỉ nghỉ được nửa tháng chạp và đầu tháng giêng còn lại dẫn máy đi ăn đồng. Về thu nhập trước năm 2014 mỗi năm trừ chi phí 3 máy thu lãi trên 600 triệu đồng, riêng năm 2015 thu lãi hơn 1 tỉ đồng. Tính đến nay tui đã trả xong lãi vay Quỹ tín dụng còn lợi đứt 3 máy GĐLH và 1 xe tải, còn 1 tỉ đồng vay ngân hàng đến hết năm 2017 mới đến hạn, nói thiệt giờ cũng dư tiền để trả. Do liên tục đi lại điều hành máy và tìm kiếm hợp đồng gặt thuê nên gia trại nuôi heo ngừng hoạt động gần 3 năm nay, còn lại gia trại nuôi gà vẫn hoạt động đều nuôi 2.000 con gà ta đẻ trứng và 1.000 con gà ta thịt/ 4 lứa/ năm do vợ ở nhà cai quản. Thu nhập trừ tri phí cũng hơn 100 triệu đồng từ tiền bán trứng, bán gà thịt và nuôi cá.
“ Có cơ ngơi ngày hôn nay, tui đã trải qua thời kỳ gian khó, vất vả, khổ cực suốt 2 năm (2001-2002). Khi đó tui theo nghề nuôi tôm, làm hồ ở Lộc Hạ (xã Phước Thuận). Tôm bị dịch tui lỗ 16 triệu đồng (thời điểm đó vàng chỉ có 170 ngàn đồng/ chỉ) phải bán hồ. Rồi trong một lần dự lớp tập huấn chăn nuôi heo, gà do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, tui thấy hay hay và xét năng lực mình có thể làm được, nên đã tự chu du một chuyến vào miền Nam tham quan, học hỏi các trang trại chăn nuôi. Sao đó tui về vay vốn xây chuồng nuôi heo thịt, giá heo thời điểm đó rớt xuống 10.000 đồng/kg, tui lỗ đứt 16 triệu đồng nữa. May là gà được giá nên bù vốn lại cho heo. Không nản thất bại chí tui vẫn nuôi heo tiếp, giá cả sau đó ổn định nên mỗi năm cho lãi khá tui trả hết nợ nần, đầu tư xây trại nuôi gà trên ao, dưới nuôi cá và tích lũy vốn mua máy GĐLH làm dịch vụ”. Anh Trần Quốc Quân, chia sẻ.
Không giấu nghề, thời điểm nuôi gà Quân còn trực tiếp giúp đỡ nhiều hộ trong thôn phương pháp nuôi gà thịt, gà đẻ trứng và họ đều thành công và có thu nhập khá. Đến nay, có hơn 50 hộ trong thôn Mỹ Trung theo nghề nuôi gà và đều ăn nên làm ra.
Từ sự nỗ lực của bản thân “thất bại là mẹ thành công”, anh Trần Quốc Quân đã nỗ lực phát triển kinh tế và hiện có tài sản giá trị hàng tỉ đồng, và cho thu lợi nhuận không dưới 1 tỉ đồng/ năm.