Tháng 8 năm nay khi cầu Khánh Mỹ nối thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ và xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) được nghiệm thu đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi việc giao lưu giữa 2 địa phương và cũng từ tuyến đường này bà con vận chuyển hàng hóa, đi lại qua tỉnh lộ 636B xuống ttrung tâm TX hay đến đường phía Tây tỉnh lên Tây Sơn tạo thế liên hoàn phát triển giao thông.
|
Cầu gỗ Thiết Tràn – Tân Kiều, do ông Phạm Đình Hổ làm sẽ tháo dỡ trước mùa lũ. |
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là từ xã Nhơn Khánh mới đến được thôn Hòa Phong còn đến trung tâm xã Nhơn Mỹ sang Quốc lộ 19B phải đi đường vòng cả chục cây số bỡi mắc con sông Thiết Tràn (một nhánh của sông Côn) làm chia cắt phía Nam thôn Hòa Phong – Tân Kiều và phía Bắc thôn Thiết Tràn với trên 3 ngàn hộ dân và gần 1.427 nhân khẩu.
Ông Trần Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, cho biết: Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với Hội đồng nhân dân các cấp bà con đều kiến nghị TX và tỉnh đầu tư xây dựng cầu Thiết Tràn – Tân Kiều để việc đi lại của bà con nhất là các cháu học sinh qua lại được thuận lợi. Hiện tại vào mùa khô sông cạn địa phương cho một hộ dân bắt cầu thu phí, còn vào mùa lũ cầu tháo nên qua lại phải đi đường vòng xuống xã Nhơn Hậu vòng lên gần 10 km, nhưng cũng phải qua nhiều cầu tràn và tràn giao thông nên khá nguy hiểm. UBND xã rất mong ngành chức năng quan tâm đầu tư xây dựng để giúp địa phương thuận lợi trong việc đi lại, cũng như tạo thuận lợi hàng hóa giao lưu thúc đẩy phát triên kinh tế.
Còn ông Phạm Đình Hổ (65 tuổi, ở thôn Tân Kiều) xã Nhơn Mỹ, người bỏ tiền bắt cầu qua sông Thiết Tràn – Tân Kiều, thổ lộ: Trước những năm 90 của thế kỷ trước muốn qua sông đều sử dụng sõng, thấy mất an toàn nên tui có sắm ghe máy đưa đò nhưng cũng chỉ hoạt động vài năm bởi con sông này vào mùa lũ nước chảy xiết lắm. Năm 1994 tui xin chính quyền cho làm cầu ván bắt qua sông thuận tiện bà con đi lại mùa khô, còn mùa lũ thì dỡ cầu. Được chính quyền đồng ý gia đình bỏ ra gần cả trăm triệu đồng mua cây gỗ làm trụ, ván làm mặt cầu với chiều dài gần 80 mét. Thu phí xe máy 2 ngàn đồng/ lượt, xe đạp 1 ngàn đồng/ lượt, không thu học sinh, cán bộ viên chức đi làm việc hoặc đi công tác qua lại, cây cầu gỗ này tồn tại từ đó đến nay.
Ông Hổ, còn cho biết thêm: Cứ đến cuối tháng 8 hoặc trong tháng 9 âm lịch là mình phải tháo cầu không thì lũ cuốn trôi hết, nên bà con và các cháu học sinh đi học, hoặc bà con ai có công việc gì đến UBND xã ký giấy tờ, hoặc đến Trạm Y tế xã khám bệnh phải đi đường vòng khá xa, tốn nhiều thời gian.
Hy vọng kiến nghị của bà con xã Nhơn Mỹ, Nhà nước quan tâm sớm đầu tư xây dựng cầu Thiết Tràn - Tân Kiều để vùng quê mang đậm dấu ấn cách mạng, nơi ra đời của Chi bộ Hồng Lĩnh, là một trong chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Bình Định, tiền thân của Đảng bộ An Nhơn ngày ngay có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống của bà con nơi đây.