Lươn là đối tượng thủy sản có giá trị dinh dưỡng, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, sản lượng lươn ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt không đáp ứng được nhu cầu thực tế, do vậy nghề nuôi lươn ngày càng chú trọng và phát triển.
Trước tình hình thực tế đó, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân, An Nhơn, Vĩnh Thạnh và Thành phố Quy Nhơn xây dựng thực hiện mô hình “Nuôi lươn thương phẩm qui mô hộ gia đình” với hình thức nuôi không bùn nhằm chuyển giao cho nông dân về kỷ thuật nuôi lươn thương phẩm theo hình thức mới; tạo nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hạn chế đánh bắt tự nhiên làm cạn kiệt tài nguyên thủy sản. Qua đó mô hình thành công sẽ là tiền đề để hình thành nghề nuôi thủy sản mới trên toàn tỉnh.
Mô hình được triển khai tại 6 điểm trình diễn (20 m2/điểm trình diễn), đối tượng nuôi là lươn giống kích cỡ 60 con/kg được mua tại Trung tâm Giống Thủy sản Bình Định, thả nuôi với mật độ 60 con/m2 trong bể ximăng được lót bạt. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% giống, 50% (đối với vùng miền núi) hoặc 30% (đối với vùng đồng bằng) về vật tư như: thức ăn, hóa chất,… và được hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình thực hiện mô hình.
Qua 6 tháng thực hiện các điểm trình diễn đều đã đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật so với yêu cầu mô hình đề ra. Tỷ lệ sống của lươn tương đối cao, dao động từ 75 – 95%; trọng lượng lươn đạt từ 0,2 – 0,3 kg/con; năng suất đạt từ 11.25 đến 17,1 kg/m2, với giá lươn hiện nay khoảng 120.000 đồng/kg, người nuôi ước lãi từ 8 đến 12 triệu đồng. Kết quả mô hình không những đem lại lợi ích kinh tế cho hộ dân tham gia thực hiện mà thông qua đó còn tạo điều kiện cho nhiều hộ dân xung quanh được tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình để nhân rộng. Đặc biệt, các hộ trực tiếp tham gia mô hình đã tiếp thu, nắm bắt và tích lũy nhiều kiến thức để có thể mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi mới này góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Từ kết quả đạt được, bước đầu đã cho thấy tiềm năng phát triển của nghề nuôi mới này trên toàn địa bàn tỉnh, cùng với lợi thế là nguồn con giống đã được sinh sản thành công tại Trung tâm Giống Thủy sản Bình Định, tỷ lệ sống của lươn giống các mô hình thực hiện năm 2016 tương đối cao. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và khuyến cáo nhân rộng mô hình tại các huyện trên toàn tỉnh trong thời gian sắp tới.