|
Bộ đội và thanh niên ra quân dọn dẹp môi trường ở Phù Cát. |
Đến nay 16 xã thực hiện CTMTQG XDNTM trên địa bàn huyện đều đã xây dựng phương án hoặc có mô hình, tổ tự quản mỗi thôn, xóm để thu gom rác thải sinh hoạt; tổ chức định kỳ tổng vệ sinh môi trường tại đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng với sự tham gia của mọi người dân. Nhiều xã đã xây dựng bãi chôn lấp và tổ chức thu gom rác thải, nghĩa trang nhân dân từng thôn hoặc liên thôn được quy hoạch và xây dựng theo quy định. Có hơn 95% hộ gia đình ở nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; khoảng 72% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; các trang trại, gia trại chăn nuôi có chuồng trại cơ bản đảm bảo vệ sinh; có gần 1.200 hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi; lắp đặt, xây dựng hơn 500 hố thu gom vỏ bao, bì, chai, lọ chứa thuốc BVTV qua sử dụng tại các đồng ruộng đã đem lại hiệu quả thiết thực và đang được nhân rộng. Qua kiểm tra đánh giá đã có 10/16 xã đạt tiêu chí Môi trường.
Xã Cát Tường, bên cạnh sản xuất nông nghiệp còn là một địa phương có 6 trang trại chăn nuôi với quy mô lớn chiếm 50% số trang trại chăn nuôi trong toàn huyện, và 3 làng nghề truyền thống. Việc bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm. Ông Đặng văn Được, PCT UBND xã cho hay: Xã đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân, nâng cao ý thức, tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên địa phương đầu tư trên 700 triệu đồng xây dựng bãi thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, thành lập tổ dịch vụ thu gom rác đi vào hoạt động thu gom 2 ngày/ tuần, đã có hơn 1.000 hộ ở các thôn Phú Gia, Xuân Quang, Chánh Liêm, Xuân An, nhà ở nằm trên các trục đường chính tham gia, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng địa bản thu gom, đồng thời tăng số lần thu gom rác nên 4 ngày/tuần. Nguồn kinh phí thực hiện được các hộ dân đóng góp 20.000 đồng/tháng, ngoài ra xã hỗ trợ kinh phí để tổ dịch vụ thu dọn rác thải nơi công cộng, xử lý tiêu hủy rác tại bãi. Các Hội đoàn thể vận động hội đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh đường làng ngõ xóm, đảm nhận các đoạn đường tự quản, xây dựng 21 hố thu gom bao bì thuốc BVTV tại các cánh đồng. Đối với các hộ chăn nuôi, bên cạnh hướng dẫn người dân thực hiện nuôi bằng đệm lót sinh học, xây dựng được 150 hầm Biogas xử lý chất thải; thực hiện trang trại chăn nuôi theo quy trình khép kín VAC, không để gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, môi trường nông thôn hiện vẫn trong trình trạng ô nhiễm nặng nề, bởi lượng phân bón hóa học và các loại thuốc BVTV được bà con sử dụng trên đồng ruộng khá lớn. Trên các cánh đồng sau khi sử dụng xong, bao bì, chai lọ thuốc BVTV bà con vứt bừa bãi xuống mương nước, trên bờ ruộng; rác thải sinh hoạt, xác súc vật chết vứt ra nơi công cộng hoặc xuống các con mương thủy lợi, làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động một số ngành nghề không có quy hoạch tập trung, nằm xen kẽ trong khu dân cư; chất thải trong chăn nuôi không được xử lý đúng quy trình, quy định; ngay cả nước thải sinh hoạt cũng cho chảy ra lòng lề đường… đã tác động xấu đến môi trường.
Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ địa phương về xây dựng NTM còn hạn chế, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng đang khiến rác thải dồn ứ ở nhiều nơi. Hệ thống thoát nước thải tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư. Hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông... vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nhiều khả năng lây lan dịch bệnh. Thiếu kinh phí cũng khiến cho một số xã đã thành lập được tổ, đội thu gom rác thải nhưng hoạt động không thường xuyên, hoặc chưa có bãi rác nên tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư diễn ra khá phổ biến.
Giải quyết thực trạng về môi trường nông thôn, vấn đề đặt ra trước hết là phải làm cho mọi người dân nâng cao ý thức tự giác tham gia bảo vệ môi trường xung quanh chính là bảo vệ sức khỏe của mình, đưa công tác bảo vệ môi trường thực sự đi vào chiều sâu, người dân là chủ thể. Để làm được điều đó, Phù Cát tiếp tục tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường ở nông thôn. Tích cực hỗ trợ đầu tư để duy trì và tăng thêm số xã đạt chuẩn quốc gia về môi trường. Nhân rộng các mô hình tự quản nhằm tạo chuyển biến rõ nét về giữ gìn vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái đầm và ven biển. Tuỳ theo điều kiện của từng xã tổ chức các hình thức phù hợp để xử lý hiệu quả các vấn đề về rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, bao bì, chai lọ thuốc BVTV qua sử dụng, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề. Phát huy vai trò của các hội đoàn thể, vận động mọi người dân ý thức tham gia làm đẹp cảnh quan các công trình công cộng, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp ở từng hộ gia đình và khu dân cư. Phấn đấu đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt NTM .